Toàn cảnh cần biết khi (là công dân Việt Nam) làm việc ở nước ngoài
Kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài: Mọi thông tin cần biết cho người lao động xuất khẩu
Thủ tục xuất cảnh hoàn tất, ngày bay đã tới, chào mừng bạn đến với miền đất mới, hy vọng bạn có hành trình làm việc tại nước ngoài thuận lợi và thành công!
Để đảm bảo hành trình an toàn – an tâm, Vilaco mời bạn đọc bài viết sau để trang bị các thông tin từ quy định pháp lý, điều kiện làm việc đến sinh hoạt hàng ngày, mạng lưới hỗ trợ người lao động để vững tâm ổn định và phát triển cuộc sống nơi đất khách quê người.
Hiểu các khái niệm cơ bản cần nắm rõ theo công ước quốc tế
Trước khi bước vào các kinh nghiệm cụ thể, bạn cần hiểu đúng các khái niệm cơ bản để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh bị lợi dụng hay lừa gạt, đồng thời hiểu rõ những nghĩa vụ mình phải thực hiện trong quá trình đi làm việc tại nước ngoài. Đây là các thuật ngữ được đề cập trong Công ước Liên Hợp Quốc về Người lao động di cư, các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước tiếp nhận lao động.
1. Về tư cách pháp lý
Khái niệm | Định nghĩa |
---|---|
Người lao động di cư tạm thời | Người lao động được trả công tại các quốc gia không theo quốc tịch của họ, trong thời gian được xác định bởi người sử dụng lao động. |
Tư cách lưu trú | Cơ sở pháp lý xác định phạm vi hoạt động của người lao động tại nước sở tại. |
Thời hạn lưu trú | Khoảng thời gian được phép cư trú hợp pháp tại quốc gia tiếp nhận, quy định trong visa hoặc giấy phép cư trú. |
Giấy phép lao động | Văn bản cho phép người lao động di cư làm việc hợp pháp trong thời gian và phạm vi công việc cụ thể. |
Lao động bất hợp pháp | Làm việc không đúng luật tại nước sở tại: không có hoặc hết hạn giấy phép, làm việc khác với công việc được cấp phép, làm việc ở địa điểm không được phép, hoặc ở lại quá hạn visa/thẻ lưu trú. |
2. Về quan hệ lao động
Khái niệm | Định nghĩa |
---|---|
Hợp đồng lao động | Thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ giữa các bên. |
Phạm vi công việc | Giới hạn về loại công việc, vị trí và địa điểm làm việc được phép. |
3. Nhóm khái niệm về điều kiện làm việc
Khái niệm | Định nghĩa |
---|---|
Môi trường làm việc an toàn | Điều kiện làm việc đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, phẩm giá của người lao động. |
Thời giờ làm việc | Khoảng thời gian làm việc theo thỏa thuận, bao gồm quy định về nghỉ ngơi. |
Làm thêm | Thời gian làm việc vượt quá giờ làm việc tiêu chuẩn. |
Số giờ làm thêm | Giới hạn thời gian được làm thêm theo luật lao động nước sở tại. |
Đào tạo nghề | Quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và văn hóa nước sở tại |
4. Về quyền lợi và phúc lợi
Khái niệm | Định nghĩa |
---|---|
Lương và phúc lợi | Các khoản tiền, lợi ích vật chất được nhận từ quan hệ lao động |
Chăm sóc y tế | Quyền tiếp cận dịch vụ y tế và được đối xử bình đẳng như công dân nước sở tại |
Đoàn tụ gia đình | Quyền đoàn tụ với gia đình theo quy định pháp luật và điều kiện hợp đồng |
5. Nhóm khái niệm về kết thúc hợp đồng
Khái niệm | Định nghĩa |
---|---|
Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn | Kết thúc quan hệ lao động trước thời hạn thỏa thuận |
Gia hạn hợp đồng | Thủ tục kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hiện tại |
Thủ tục kết thúc hợp đồng | Quy trình pháp lý khi chấm dứt quan hệ lao động |
[Phụ lục 1] Các Khái niệm và quy định đặc thù với người Lao động xuất khẩu tại Nhật Bản
Nguồn: Những vấn đề liên quan đến các bộ luật về lao động
Thực tập sinh kỹ năng (sau đây gọi tắt là TTS) được áp dụng Luật tiêu chuẩn lao động của Nhật Bản và được pháp luật Nhật Bản bảo vệ trong quan hệ lao động với Đơn vị sử dụng lao động.
I. Hợp đồng lao động
A. Ràng buộc bởi quan hệ hợp đồng lao động.
- Khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải ghi rõ bằng văn bản các điều kiện lao động (trường hợp người lao động có nguyện vọng thì có thể ghi rõ qua fax, tin nhắn điện tử, mạng xã hội v.v…).
- Theo đó, Bảng danh mục các điều kiện lao động được lập và ban hành có ghi các nội dung sau:
- Thời hạn hợp đồng lao động
- Địa điểm làm việc
- Nội dung công việc phải thực hiện (ngành nghề hoặc thao tác)
- Các nội dung về thời gian bắt đầu và kết thúc công việc, có làm quá thời giờ làm việc quy định hay không, thời giờ giải lao, ngày nghỉ, nghỉ phép v.v…
- Tiền lương (tiền lương cơ bản, tỷ lệ tăng lương làm ngoài giờ quy định)
- Các điều khoản về chấm dứt hợp đồng lao động
- Khi ký kết hợp đồng lao động, hãy xác nhận lại các điều kiện lao động được mô tả trong hợp đồng lao động.
- Đặc biệt, về tiền lương, thuế được trừ từ tổng số tiền phải trả hàng tháng ở Nhật, vì vậy hãy kiểm tra lại số tiền mà bạn thực nhận.
- Bạn hãy nhận và tự bảo quản thật cẩn thận Hợp đồng lao động đã ký đầy đủ với các bên và Bản các điều kiện lao động từ Doanh nghiệp. (Tham khảo trang 120)
B. Sa thải
- Sa thải là việc kết thúc hợp đồng lao động từ một phía theo yêu cầu của Bên sử dụng lao động.
- Trong thời gian bạn được tuyển dụng nếu không phải là trường hợp bất khả kháng thì Bên sử dụng lao động không được sa thải giữa chừng hợp đồng đó.
- Mặt khác dù là trường hợp bất khả kháng cũng phải tuân theo các thủ tục sau:
- Phải thông báo trước ít nhất là 30 ngày.
- Nếu sa thải mà không thông báo từ 30 ngày trước phải thanh toán phụ cấp thông báo sa thải theo số ngày tính đến khi sa thải.
- Trường hợp sa thải vì lý do lỗi từ phía người lao động, và đã được Trưởng Cơ sở giám sát thực hiện tiêu chuẩn lao động chấp nhận thì không cần thông báo trước và không phải thanh toán phụ cấp thông báo trước.
- Nghiêm cấm sa thải trong các trường hợp sau:
- Sa thải trong thời gian đang nghỉ việc do bị chấn thương trong công việc và trong vòng 30 ngày sau đó.
- Sa thải do người lao động đã tố cáo với Cơ sở giám sát thực hiện tiêu chuẩn lao động.
- Khi có quyết định sa thải, bạn cần yêu cầu người sử dụng lao động cấp cho bạn văn bản ghi rõ lý do sa thải. Nếu bị thông báo sa thải mà bạn không chấp thuận, bạn hãy trao đổi ngay với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế Nhật Bản thông qua đường dây nóng tư vấn bằng tiếng Việt.
II. Thời giờ làm việc, nghỉ giải lao và ngày nghỉ
A. Nguyên tắc về thời giờ làm việc, nghỉ giải lao và ngày nghỉ
- Theo Luật tiêu chuẩn lao động về nguyên tắc không được phép bắt làm việc quá 8 giờ 1 ngày, 40 giờ 1 tuần (thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật).
- Phải cho người lao động nghỉ giải lao giữa giờ làm việc, thời gian làm việc quá 6 giờ phải nghỉ giải lao 45 phút, nếu quá 8 giờ phải nghỉ giải lao 60 phút.
- Ít nhất phải có 1 ngày nghỉ hàng tuần hoặc từ 4 ngày nghỉ trở lên trong vòng 4 tuần (ngày nghỉ theo quy định của pháp luật).
Tuy nhiên có thể áp dụng chế độ thời giờ làm việc ngoại lệ và phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Ví dụ, ngành nông nghiệp, thủy sản không áp dụng quy định thời gian lao động hoặc nghỉ giải lao, nghỉ cuối tuần nhưng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của Luật tiêu chuẩn lao động.
B. Làm việc ngoài giờ, làm việc vào ngày nghỉ
- Nếu người sử dụng lao động yêu cầu làm việc quá thời giờ làm việc quy định (làm việc ngoài giờ) theo Luật tiêu chuẩn lao động này (thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật) hoặc làm việc vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật (làm việc vào ngày nghỉ) thì phải ký kết thỏa thuận hai bên với người đại diện cho hơn nửa số người lao động tại nơi làm việc (nếu có tổ chức công đoàn lao động của hơn nửa số người lao động thì ký kết với công đoàn lao động nơi đó) về các nội dung như lý do yêu cầu làm việc ngoài giờ, chủng loại công việc, khoảng thời giờ có thể kéo dài và phải nộp cho trưởng Cơ sở giám sát thực hiện tiêu chuẩn lao động trực thuộc.
C. Tăng lương làm việc ngoài giờ, làm việc ngày nghỉ
- Trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời giờ quy định của pháp luật (làm thêm giờ) thì phải thanh toán tiền lương cao hơn.
💡(1) Làm việc ngoài giờ: Tăng từ 25% trở lên so với mức lương thông thường cho thời gian yêu cầu làm việc vượt quá thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật
(2) Làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ: Tăng từ 35% trở lên so với mức lương thông thường khi yêu cầu làm việc vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật
(3) Làm đêm: Tăng từ 25% trở lên so với mức lương thông thường khi yêu cầu làm đêm từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng
(*) Ví dụ nếu làm việc ngoài thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật và là làm đêm ((1) + (3)) thì tiền lương được nhận sẽ được tăng thêm từ 50% trở lên.
- Trường hợp yêu cầu làm việc ngoài giờ quá 60 giờ trong vòng 1 tháng phải thanh toán tiền lương cao hơn từ 50% trở lên cho thời gian lao động vượt quá đó.
III. Nghỉ có hưởng lương hàng năm
Người lao động làm việc liên tục từ 6 tháng trở lên kể từ khi bắt đầu được tuyển dụng và đã làm việc từ 80% trở lên so với tổng số ngày phải làm việc sẽ có quyền được hưởng 10 ngày nghỉ có hưởng lương hàng năm.Sau đó, số ngày phép được lấy lại hàng năm lại tăng lên.
Thời gian làm việc | 6 tháng | 1 năm 6 tháng |
2 năm 6 tháng |
3 năm 6 tháng |
4 năm 6 tháng |
5 năm 6 tháng |
Trên 6 năm 6 tháng |
Số ngày được
hưởng |
10 ngày | 11 ngày | 12 ngày | 14 ngày | 16 ngày | 18 ngày | 20 ngày |
Ngoài ra, về nguyên tắc người lao động có thể xin nghỉ có lương trong mùa vụ mình đề nghị mà không bị hỏi về mục đích sử dụng để nghỉ ngơi hay vui chơi. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn yêu cầu phép nghỉ có lương vào thời điểm ảnh hưởng đến hoạt động thông thường của công việc, thì việc nghỉ này có thể được thay dời sang thời điểm khác.
Mặt khác, luật cũng nghiêm cấm người sử dụng lao động mua lại ngày nghỉ có hưởng lương hàng năm này.
(*) Từ tháng 4 năm 2019, đối với những người lao động được cấp số ngày nghỉ có hưởng lương hàng năm từ 10 ngày trở lên, người sử dụng lao động có nghĩa vụ cho người lao động nghı̉ 5 ngày trong số các ngày nghỉ có hưởng lương hàng năm (không tı́nh ngày nghỉ mà người lao động đã lấy trước đó) bằng cách như chỉ định thời kỳ, v.v… Người sử dụng lao động chỉ định thời kỳ nghỉ nhưng phải nghe ý kiến từ người lao động, nếu được thì người sử dụng lao động phải tôn trọng và cố gắng đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
IV. Bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội là chế độ của nhà nước nhằm bảo đảm cuộc sống cho người tham gia bảo hiểm và gia đình họ bằng việc thanh toán phí y tế khi bị ốm đau, chấn thương hoặc tiền lương hưu khi bị tử vong hoặc rơi vào trạng thái tàn tật nhất định do bệnh tật hoặc chấn thương.
Các loại bảo hiểm xã hội và trợ cấp gồm có:
Loại bảo hiểm | Chu cấp | |
---|---|---|
Loại bảo hiểm Chu cấp | • Bảo hiểm y tế • Bảo hiểm sức khỏe • Bảo hiểm sức khỏe nhân dân |
Đây là các loại bảo hiểm chịu thanh toán một phần phí y tế phát sinh do bệnh tật hoặc chấn thương (đến 70 tuổi là 70%) (phí y tế người lao động phải chịu là 30%). Tuy nhiên, đối với bệnh tật hoặc thương tích do công việc hoặc gặp phải trên đường đi làm, bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động (bảo hiểm tai nạn lao động) sẽ chịu trách nhiệm chi trả. Trong trường hợp này, toàn bộ chi phí y tế sẽ do bảo hiểm tai nạn lao động chịu trách nhiệm bồi thường. |
Lương hưu | • Lương hưu phúc lợi • Lương hưu nhân dân |
Chu cấp khoản cần thiết cho tuổi già, tàn tật, tử vong (thanh toán lương hưu). |
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội:
Đối tượng | |
---|---|
• Bảo hiểm sức khỏe • Lương hưu phúc lợi |
Người lao động thuộc các đơn vị sau: • Đơn vị pháp nhân • Doanh nghiệp tư nhân có tuyển dụng không dưới 5 nhân viên thường xuyên (trừ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, quán trọ, giặt là v.v…) |
• Bảo hiểm sức khỏe nhân dân • Lương hưu nhân dân |
Người lao động thuộc các đơn vị khác với các đơn vị trên. Đối tượng tham gia quỹ lương hưu nhân dân phải là người lao động từ 20 tuổi trở lên. |
Tiền phí bảo hiểm xã hội: TTS phải thanh toán toàn bộ tiền phí bảo hiểm được chọn một trong hai gói sau:
- Cả bảo hiểm xã hội và lương hưu phúc lợi
- Cả bảo hiểm sức khỏe nhân dân và lương hưu nhân dân
Nếu TTS đang trong thời gian học lý thuyết buộc phải tham gia Gói bao gồm bảo hiểm sức khỏe nhân dân và lương hưu nhân dân.
Loại | Giải thích | Tỷ lệ phí bảo hiểm | Số tiền bạn phải
thanh toán/tháng |
---|---|---|---|
Bảo hiểm xã hội | • Phí bảo hiểm bằng tỷ lệ phí bảo hiểm nhân với tiền thù lao tháng tiêu chuẩn. • Phí bảo hiểm theo tháng sẽ do thực tập sinh và chủ doanh nghiệp (Đơn vị tiến hành thực tập) mỗi bên chịu một nửa. |
Nếu tham gia Hiệp hội bảo hiểm thì tỷ lệ phí bảo hiểm quy định riêng cho từng địa phương. | Thù lao tháng tiêu chuẩn × tỷ lệ phí bảo hiểm × 1/2 |
Lương hưu phúc lợi |
• Phí bảo hiểm bằng tỷ lệ phí bảo hiểm nhân với tiền thù lao tháng tiêu chuẩn. • Phí bảo hiểm theo tháng sẽ do thực tập sinh và chủ doanh nghiệp (Đơn vị tiến hành thực tập) mỗi bên chịu một nửa. |
18,3% | Thù lao tháng tiêu chuẩn × tỷ lệ phí bảo hiểm × 1/2 |
Bảo hiểm sức khỏe nhân dân | Tính theo quy định của từng địa phương. | Số tiền tính theo quy định của từng địa phương |
|
Lương hưu nhân dân |
Quy định đồng bộ trên cả nước. | 16.520 yên |
V. Thuế thu nhập, thuế cư trú
- Các loại thuế có liên quan đến TTS bao gồm: thuế nhà nước (thuế thu nhập) và thuế địa phương (thuế cư trú) tính trên tiền lương. Đây là tiền thuế mà người sinh sống ở Nhật Bản và có thu nhập phải nộp. Tuy nhiên, trường hợp nước bạn và Nhật Bản đã ký Hiệp ước về thuế thì các thuế này có thể sẽ được miễn (Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan v.v). Hãy liên hệ với cục thuế (thuế thu nhập) hoặc thành phố nơi bạn sống (thuế thị dân) để biết thêm thông tin chi tiết.
- Thuế thu nhập được khấu trừ ứng với tiền lương hàng tháng, trong tháng mười hai số tiền thuế phải nộp cho tổng thu nhập trong năm và số tiền thuế đã khấu trừ sẽ được điều chỉnh.
- Thuế cư trú là thuế đánh vào thu nhập của năm trước, nộp cho chính quyền địa phương nơi bạn cư trú từ thời điểm ngày 1 tháng 1. Về nguyên tắc, nộp thuế cư trú được chia làm 12 lần, bắt đầu được trừ từ lương hàng tháng, kể từ tháng 6.
- Về việc nộp thuế, trong thời gian bạn đang lưu trú tại Nhật Bản, người sử dụng lao động sẽ lấy từ lương hàng tháng để nộp thuế cho nhà nước và chính quyền địa phương. Trường hợp về nước giữa năm tài chính, bạn vẫn phải nộp số tiền thuế còn lại.
- Mức đóng thuế:
Thuế thu nhập | Đây là số tiền thu được bằng cách nhân thuế suất tương ứng với số tiền sau khi đã khấu trừ các khoản như: khoản không bị tính thuế từ thu nhập lương, khoản được miễn trừ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm lương hưu phúc lợi và bảo hiểm thất nghiệp…
Mức thuế năm cơ bản như sau: Trường hợp có ý định nhận miễn thuế thu nhập theo Hiệp ước thuế thì phải nộp giấy đăng ký theo mẫu tới văn phòng thuế thông qua người thanh toán lương (Đơn vị tiến hành thực tập) |
---|---|
Thuế cư trú | Số tiền được thông báo bởi cơ quan hành chính địa phương.
Trường hợp có ý định nhận miễn giảm theo Hiệp ước thuế thì phải nộp giấy đăng ký theo mẫu tới cơ quan hành chính địa phương sinh sống. |
VI. Tiền lương
A. Phương thức thanh toán tiền lương:
Về thanh toán tiền lương, người sử dụng lao động sẽ thanh toán theo 5 điều kiện sau:
- bằng tiền mặt
- toàn bộ số tiền,
- mỗi tháng không dưới 1 lần
- vào ngày quy định
- trực tiếp cho người lao động
Tuy nhiên, nếu chính bản thân người lao động đồng ý thì việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản tiết kiệm của chính người lao động do người lao động chỉ định v.v… mà không phải bằng tiền mặt cũng được công nhận. Để nhận thanh toán vào tài khoản ngân hàng thì cần thỏa mãn tất cả những điều kiện dưới đây:
- Được sự đồng ý bằng văn bản của bản thân người lao động
- Phải cố gắng thanh toán tiền lương vào ngày đã được quy định là ngày thanh toán tiền lương
- Phải cấp Bản tính toán tiền lương (Bản chi tiết lương)
- Phải có ký kết thỏa thuận hai bên về việc chuyển khoản.
Tiền thuế, phí bảo hiểm xã hội, phí bảo hiểm thất nghiệp v.v…sẽ trừ vào tiền lương, dựa theo quy định pháp luật. Ngoài ra, nếu hai bên ký thỏa thuận trước, tiền nhà và tiền ăn v.v… cũng có thể trừ vào tiền lương. Phí quản lý (đối với Thực tập sinh kỹ năng) không được phép trừ vào lương.
B. Số tiền lương:
Về tiền lương, người sử dụng lao động phải thanh toán số tiền cao hơn mức tiền lương tối thiểu theo từng địa phương được quy định theo đơn vị tỉnh thành trong Luật mức lương tối thiểu.
Trường hợp làm việc ngoài giờ, làm việc vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật, làm việc ban đêm phải được thanh toán mức lương cao hơn như đã nên trên.
Nếu có các vi phạm trong quy định về tiền lương và việc làm ngoài giờ này, hoặc nếu nội dung mô tả trong điều kiện lao động khác với điều kiện làm việc thực tế, thì giấy chứng nhận kế hoạch đào tạo TTS sẽ bị thu hồi và chương trình đào tạo TTS cũng sẽ không được thực hiện. Vì vậy, bản thân TTS cần hiểu rõ luật pháp Nhật Bản, nếu nội dung bản điều kiện lao động và điều kiện làm việc của mình có sự khác nhau thì nên tham khảo ý kiến của Đơn vị quản lý và Hiệp hội.
Thanh toán tiền trợ cấp nghỉ việc: Trường hợp nghỉ việc với lý do bị quy trách nhiệm cho Đơn vị tiến hành thực tập thì Đơn vị tiến hành thực tập phải thanh toán cho bạn thù lao nghỉ việc không dưới 60% mức lương trung bình.
Cách thức tính lương: Tiền lương mà Đơn vị tiến hành thực tập (doanh nghiệp) thanh toán cho bạn hàng tháng là khoản tiền lương đã bị trừ phí bảo hiểm xã hội (phí bảo hiểm sức khỏe, phí bảo hiểm lương hưu phúc lợi), phí bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập, thuế cư trú. Có trường hợp khấu trừ cả phí nhà ở, tiền gas, điện, nước vv… đã được thỏa thuận trước trong hợp đồng lao động.Về các khoản chi phí mà bạn phải gánh chịu định kỳ ví dụ như phí nhà ở, tiền gas điện nước bạn phải hiểu rõ các hạng mục mà bạn được cung cấp thực tế và trên cơ sở đó thỏa thuận với Đơn vị tiến hành thực tập (doanh nghiệp) đồng thời khoản chi phí đó phải là khoản tiền bằng với chi phí thực tế và trong phạm vi khoản tiền thích hợp.
Mặt khác phí bảo hiểm của bảo hiểm tai nạn lao động là do người sử dụng lao động phải gánh chịu toàn bộ do đó không được trừ vào tiền lương.
Quy định bên thanh toán tiền lương phải cấp “Bảng tính lương” cho bạn (người nhận thanh toán) khi thanh toán tiền lương bằng cách chuyển khoản.
Bảng tính lương | |
---|---|
Công việc thực tế | Số ngày làm việc, số ngày nghỉ việc, thời giờ làm việc (thời giờ lao động), thời gian làm thêm giờ v.v… |
Thanh toán | Lương cơ bản, phụ cấp ngoài giờ (phụ cấp làm thêm giờ) v.v… |
Khấu trừ | Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm lương hưu phúc lợi), Bảo hiểm thất nghiệp |
Tiền thuế (thuế thu nhập, thuế cư trú) khấu trừ | |
Khấu trừ theo thỏa thuận (phí nhà ở, phí gas điện nước) | |
Thực lĩnh | Tổng số tiền thanh toán – tổng số tiền khấu trừ |
Các nội dung bị nghiêm cấm theo luật:
- Bù trừ tiền lương với các khoản cho vay trước với điều kiện sẽ làm việc
- Ép gửi tiền tiết kiệm
- Người sử dụng lao động hoặc Đơn vị quản lý giữ sổ ngân hàng mang tên bản thân người lao động
Hướng dẫn quản lý hồ sơ và thông tin cho người lao động tại nước ngoài
Có rất nhiều hồ sơ và thông tin cá nhân bạn cần chuẩn bị và được nhận trước trong và sau quá trình xuất cảnh. Những hồ sơ này liên quan trực tiếp tới quá trình làm việc của bạn và là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng xác minh trong các quá trình hỗ trợ xử lý tình huống phát sinh. Vì vậy, tùy tính chất và mức độ quan trọng, bạn nên có phương pháp bảo đảm và quản lý:
- Giấy tờ tùy thân (Luôn mang theo bên mình): Thẻ cư trú/thẻ ngoại kiều, thẻ bảo hiểm y tế.
- Thông tin cá nhân và hợp đồng lao động (Cần cất giữ an toàn): Hộ chiếu gốc, giấy phép lao động, hợp đồng lao động và sổ bảo hiểm xã hội.
Theo lời khuyên từ các tư vấn viên của Vilaco, bạn nên scan 01 bản các giấy tờ trên để lưu vào thư mục ảnh/tài liệu trên điện thoại, và lưu trữ trên một tài khoản điện toán đám mây được bảo mật để có thể lấy số liệu, thông tin cần thiết ngay khi có tình huống cần xử lý.
Tuyệt đối không được giao cho người khác các giấy tờ, hồ sơ có thông tin cá nhân của bạn như hộ chiếu gốc, thẻ cư trú gốc, sổ tiết kiệm, thẻ ngân hàng. Bạn chỉ cung cấp khi cơ quan đoàn thể quản lý mình (nghiệp đoàn lao động hoặc công ty) yêu cầu và có mục đích rõ ràng. Trong trường hợp cần thiết chỉ bàn giao bản công chứng của hộ chiếu, giấy phép lao động, bằng cấp/chứng chỉ và giấy khám sức khỏe và có xác nhận bàn giao. Đối với các giao dịch yêu cầu cung cấp bản sao giấy tờ, tờ khai và đóng phí/lệ phí, bạn cần yêu cầu biên nhận có chữ ký hoặc đóng dấu để đảm bảo quyền lợi của mình.
Bên cạnh các giấy tờ cá nhân, bạn cần quan tâm tới hợp đồng lao động và làm rõ:
- Mức lương cơ bản
- Phụ cấp
- Quy định về thời giờ làm việc và chế độ nghỉ phép
- Phạm vi làm việc
Hãy đọc kỹ, nắm rõ các chi tiết căn bản trên và hỏi công ty phái cử cho rõ trước khi ký và ghi nhớ trong suốt quá trình lao động ngoài nước, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của bạn, đặc biệt là khi có tranh chấp về lương thưởng và thời gian làm việc.
Quá trình làm việc tại nước ngoài của người lao động xuất khẩu
Phạm vi công việc
Khi làm việc tại nước ngoài, bạn cần thực hiện công việc theo đúng nội dung hợp đồng đã ký. Công việc thường bao gồm các nhiệm vụ chuyên môn theo ngành nghề, tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn an toàn lao động của nước sở tại.
Ngoài ra, trong quá trình lao động ngoài nước, bạn cũng có thể được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng để phục vụ công việc.
Quyền và nghĩa vụ
Khi làm việc tại nước ngoài, bạn cũng được pháp luật nước sở tại bảo hộ các quyền và lợi ích chính đáng, tương đương với người lao động tại nước sở tại như nhận đầy đủ tiền lương, được chăm sóc sức khỏe, tham gia bảo hiểm… Bạn cũng có có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp bị ngược đãi hoặc có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng.
Điều kiện tiên quyết là bạn cần tuân thủ pháp luật của cả Việt Nam và nước sở tại, cũng như cam kết về nghĩa vụ người lao động đã đề cập tới trong hợp đồng, bao gồm: thực hiện đúng nội dung hợp đồng, hoàn thành các khóa học định hướng, và về nước đúng thời hạn sau khi kết thúc hợp đồng.
Là công dân Việt Nam tại nước ngoài, bạn là nhân tố quan trọng thể hiện tinh thần và cốt cách con người Việt trong mắt bạn bè quốc tế, vì vậy, bạn cũng cần có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời tôn trọng phong tục tập quán tại địa phương mình sinh sống.
Quản lý và kiểm tra thông tin
Bạn nên có lịch trình quản lý và kiểm tra thông tin cá nhân định kỳ:
- Hàng tháng, cần đối chiếu kỹ bảng lương chi tiết với bảng chấm công, xem xét các khoản khấu trừ và đối soát với sao kê ngân hàng để đảm bảo được trả lương đúng và đủ.
- Hàng quý, cần kiểm tra các khoản đóng góp dài hạn như bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân, đồng thời rà soát thời hạn của các loại giấy tờ quan trọng.
Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo bạn được người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các quyền lợi đã cam kết. Từng có trường hợp, sau 03 làm việc tại Nhật Bản, người lao động không được công ty đóng tiền Bảo hiểm Hưu trí bắt buộc, nên không thể hoàn thành thủ tục để xin gia hạn visa.
Bạn cũng cần ghi nhớ thời hạn của các giấy tờ pháp lý, để tránh những gián đoạn không mong muốn trong quá trình làm việc và cư trú tại nước ngoài, trường hợp xấu nhất có thể bị chính quyền sở tại trục xuất.
💡Lưu ý: Cần chuẩn bị gia hạn visa hoặc thẻ cư trú, giấy phép lao động và hợp đồng lao động trước 3 tháng.
Trong quá trình làm việc tại nước ngoài, nếu gặp tình huống khẩn cấp thì bạn nên tìm tới ai?
Các tình huống khẩn cấp thường gặp
Khi làm việc ở nước ngoài bạn có thể gặp nhiều tình huống khẩn cấp khác nhau, phổ biến bao gồm: tai nạn và ốm đau, cần trợ giúp y tế; bị vi phạm quyền lợi lao động; mất giấy tờ hoặc hộ chiếu.
Ngoài ra, cũng có trường hợp xảy ra tranh chấp về quyền lợi với người sử dụng lao động liên quan đến các vấn đề liên quan tới hợp đồng như: lương thưởng không đúng theo thỏa thuận đơn phương chấm dứt hợp đồng, thay đổi công việc không báo trước, thời gian làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý, điều kiện ăn ở sinh hoạt không đảm bảo, hoặc các vấn đề về bảo hiểm và phúc lợi…
-
Phụ lục 2: Khuyến nghị xử lý tình huống khẩn cấp
Bước 1: Phân loại và quy trình xử lý
Với trường hợp cấp cứu, tai nạn: liên hệ ngay cơ quan sở tại (cấp cứu 119/911), sau đó thông báo với người sử dụng lao động, công ty phái cử và văn phòng quản lý lao động.
Với trường hợp tranh chấp với người sử dụng lao động, cần liên hệ theo thứ tự:
- Công ty phái cử theo thông tin trong sổ tay hướng dẫn
- Văn phòng quản lý lao động tại nước sở tại
- Đường dây nóng bảo hộ công dân
Bước 2: Khai báo thông tin cá nhân khi cần hỗ trợ
Khi liên hệ cần cung cấp: thông tin cá nhân, số hộ chiếu, địa chỉ hiện tại và mô tả vấn đề cụ thể. Người lao động nên lưu sẵn các số điện thoại khẩn cấp kèm mã vùng quốc tế.
Ngoài ra, bạn cũng luôn phải chuẩn bị phương án liên lạc dự phòng và duy trì liên hệ với gia đình.
Ngoài ra, bạn cũng nên (nhớ) số điện thoại liên hệ khẩn cấp tại Nhật bản (của 1 người thân/quen) và nhớ ít nhất một số điện thoại của người thân trong gia đình tại Việt Nam để liên lạc trong trường hợp mất điện thoại.
Mạng lưới bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài
Tính tới cuối năm 2024, mạng lưới bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài bao gồm 9 văn phòng quản lý lao động, đặt tại 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 2 Văn phòng tại Đài Loan, 2 văn phòng tại Nhật Bản, 1 văn phòng mỗi nước Hàn Quốc, Malaysia, Saudi Arabia, UAE, Qatar và Cộng hoà Síp. Mạng lưới có các cán bộ chuyên trách thường trực hỗ trợ khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc khắp thế giới.
Các văn phòng quản lý lao động có nhiệm vụ: Bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam; Giải quyết tranh chấp lao động; Hỗ trợ khẩn cấp khi cần thiết; Kết nối với cộng đồng người Việt; Phối hợp với cơ quan chức năng sở tại.
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
HỖ TRỢ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI |
|
1. Đường dây nóng bảo hộ công dân (24/7) • Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao • Số điện thoại: +84.981.84.84.84 • Hỗ trợ mọi vấn đề khẩn cấp |
2. Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) • Số điện thoại: +84.24.38249517 • Email: info@dolab.gov.vn • Giải quyết tranh chấp lao động |
VĂN PHÒNG VÀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG THEO QUỐC GIA | |
1. Nhật Bản (2 văn phòng)
Văn phòng Tokyo: Văn phòng Fukuoka: 3. Hàn Quốc (1 văn phòng) Văn phòng Seoul: 5. Các nước Trung Đông: |
2. Đài Loan (2 văn phòng)
Văn phòng Đài Bắc: Văn phòng Cao Hùng: 4. Malaysia (1 văn phòng) 6. Châu Âu: |
Tổ chức hỗ trợ lao động nước ngoài tại nước sở tại sẽ hỗ trợ bạn những gì?
Khi gặp khó khăn, bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức hỗ trợ người lao động nước ngoài tại nước sở tại. Các tổ chức này cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực, ví dụ như cung cấp thông tin, phổ biến chính sách lao động, đào tạo văn hóa và nếp sinh hoạt trong môi trường mới…
Về mặt phát triển kỹ năng, các tổ chức này cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn chuyên biệt dành cho người lao động ngoài nước, trong đó tập trung vào việc nâng cao trình độ ngôn ngữ và hướng dẫn xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, họ còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người lao động với cộng đồng người Việt tại địa phương, tạo điều kiện để người lao động có thể hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm sống và làm việc tại nước ngoài.
Trong trường hợp khẩn cấp, các tổ chức còn hỗ trợ liên lạc với các cơ quan chức năng, nghiệp đoàn, và Cục quản lý xuất nhập cảnh để sắp xếp các cuộc gặp, trao đổi và thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến xử lý quyền lợi người lao động. Trong thời gian giải quyết các vấn đề phát sinh, các tổ chức sẽ hỗ trợ bạn tìm kiếm và bố trí nơi ở tạm thời đồng thời cũng cung cấp các trang thiết bị duy trì điều kiện sinh hoạt cơ bản.
Phụ lục 3: Danh sách trung tâm tư vấn lao động tại Nhật Bản
Danh sách trung tâm tư vấn lao động tại Nhật Bản
(Cập nhật tháng 4/2024)
Thông tin chung
Hình thức | Chi tiết |
---|---|
Đường dây nóng tư vấn tiếng Việt | 0570-001701 |
Thời gian tư vấn | • Thứ 2 – thứ 6 • 10:00 – 15:00 (giờ Nhật Bản) • Nghỉ các ngày lễ |
Chi phí | Miễn phí |
Nội dung tư vấn | • Lương không được trả • Bị sa thải đột ngột • Bồi thường tai nạn lao động • Điều kiện làm việc không an toàn • Quấy rối tại nơi làm việc • Điều kiện lao động không đúng cam kết |
Các trung tâm tư vấn theo vùng
Vùng Hokkaido・Tohoku
Tỉnh/Thành phố | Địa chỉ | Thời gian tư vấn tiếng Việt | Điện thoại |
Hokkaido | Sapporo Joint Government Office Building No.1 2-1-1 Kita Hachijyo Nishi, Kita-ku, Sapporo |
Thứ 4 (9:00-16:30) | 011-709-2311 |
Akita | Akita Joint Government Office Building 7-1-3 Sanno, Akita |
Thứ 3 (9:00-16:30) | 018-862-6684 |
Miyagi | Sendai Joint Government Office Building No.4 1 Teppo-machi, Miyagino-ku, Sendai |
Thứ 5 (9:30-17:00) | 022-299-8834 |
Vùng Kanto
Tỉnh/Thành phố | Địa chỉ | Thời gian tư vấn tiếng Việt | Điện thoại |
Tokyo | 2-8-1 Nishi-Kanda, Chiyoda-ku | Thứ 3, 5 (10:00-15:00) | 03-3816-2135 |
Ibaraki | 1-8-31 Miyamachi, Mito | Thứ 2 (10:00-15:00) | 029-224-6214 |
Tochigi | 1-4 Akebono-cho, Utsunomiya | Thứ 3 (10:00-15:00) | 028-634-9115 |
Gunma | 104-1 Otemachi, Maebashi | Thứ 3 (9:00-16:30) | 027-896-4735 |
Saitama | 5-6-2 Shintoshin, Chuo-ku, Saitama | Thứ 5 (9:00-16:30) | 048-600-6204 |
Chiba | 4-11-1 Chuo, Chuo-ku, Chiba | Thứ 4 (10:00-15:00) | 043-221-2304 |
Kanagawa | 1 Kotobuki-cho, Naka-ku, Yokohama | Thứ 2 (9:00-16:30) | 045-211-7351 |
Vùng Chubu
Tỉnh/Thành phố | Địa chỉ | Thời gian tư vấn tiếng Việt | Điện thoại |
Niigata | 4-1 Shinko-cho, Chuo-ku, Niigata | Thứ 6 (9:00-16:30) | 025-288-3503 |
Toyama | 1-5-5 Jinzu-honmachi, Toyama | Thứ 4 (9:00-16:30) | 076-432-2730 |
Ishikawa | 1-18-30 Hirosaka, Kanazawa | Thứ 5 (9:00-16:30) | 076-200-9771 |
Fukui | 1-1-54 Haruyama, Fukui | Thứ 2 (9:00-16:30) | 0776-22-3363 |
Yamanashi | 2-5-51 Marunouchi, Kofu | Thứ 5 (9:00-16:30) | 055-225-2851 |
Nagano | 1-22-1 Nakagosho, Nagano | Thứ 2 (10:00-15:00) | 026-223-0553 |
Gifu | 5-13 Kinryucho, Gifu | Thứ 2, 6 (11:00-16:00) | 058-245-8102 |
Shizuoka | 9-50 Oute-machi, Aoi-ku, Shizuoka | Thứ 3, 4 (10:00-15:00) | 054-254-6352 |
Aichi | 2-5-1 Sannomaru, Naka-ku, Nagoya | Thứ 2, 6 (10:00-15:00) | 052-972-0253 |
Vùng Kinki
Tỉnh/Thành phố | Địa chỉ | Thời gian tư vấn tiếng Việt | Điện thoại |
Mie | 13 Komei-cho, Tsu | Thứ 4 (11:00-16:00) | 059-226-2110 |
Shiga | 14-15 Uchidehama, Otsu | Thứ 3 (9:00-16:30) | 077-522-6616 |
Kyoto | 451 Ryougaemachi-dori, Nakagyo-ku, Kyoto | Thứ 4 (9:00-16:30) | 075-241-3214 |
Osaka | 4-1-67 Otemae, Chuo-ku | Thứ 4 (13:00-17:00) Thứ 6 (9:00-17:00) |
06-6949-6490 |
Hyogo | 1-3-1 Kotobuki-cho, Chuo-ku, Kobe | Thứ 6 (10:00-15:00) | 078-367-9151 |
Vùng Chukoku・Shikoku・Kyushu
Tỉnh/Thành phố | Địa chỉ | Thời gian tư vấn tiếng Việt | Điện thoại |
Tottori | 2-89-9 Tomiyasu, Tottori | Thứ 5 (9:00-16:30) | 0857-22-7000 |
Shimane | 134-10 Mukojima-cho, Matsue | Thứ 2 (9:00-16:30) | 0852-31-1156 |
Okayama | 1-36 Nakabangai, Kita-ku | Thứ 5 (10:00-15:00) | 086-225-2017 |
Hiroshima | 6-30 Kami-hacchobori, Naka-ku | Thứ 6 (9:00-12:00) | 082-221-9296 |
Tokushima | 1-76 Tokushima-cho, Tokushima | Thứ 3 (9:00-16:30) | 088-652-9142 |
Ehime | 4-3 Minamihoribata-cho, Matsuyama | Thứ 4 (9:00-16:30) | 089-913-6244 |
Fukuoka | 2-11-1 Hakataekihigashi, Hakata-ku | Thứ 4 (10:00-15:00) | 092-411-4862 |
Nagasaki | 3-3 館内町, Nagasaki | Thứ 5 (9:00-16:30) | 095-801-0023 |
Kumamoto | 2-10-1 Kasuga, Nishi-ku | Thứ 4 (9:00-16:30) | 096-355-3181 |
Kagoshima | 13-21 Yamashita-cho, Kagoshima | Thứ 5 (9:00-16:30) | 099-223-8239 |
Okinawa | 2-1-1 Omoromachi, Naha | Thứ 3 (9:00-16:30) | 098-868-6060 |
Lưu ý quan trọng:
- Nghỉ các ngày lễ của Nhật
- Cần đặt lịch hẹn trước khi đến tư vấn trực tiếp
- Mọi thông tin tư vấn đều được bảo mật
- Được bảo vệ theo luật lao động Nhật Bản như công dân Nh
Cuộc sống của bạn khi làm việc tại nước ngoài
Cuộc sống của người lao động Việt Nam tại nước ngoài bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, từ vấn đề sinh hoạt cơ bản đến các cơ hội học tập, nâng cao năng lực và phát triển bản thân. Để giúp bạn hình dung về về cuộc sống của lao động Việt Nam ở ngoài nước, dưới đây Vilaco sẽ chia sẻ vài nét khái quát về điều kiện ăn uống, sinh hoạt và học tập tại thị trường Nhật Bản – một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam nhiều năm gần đây.
Điều kiện sinh hoạt cơ bản
Ở Nhật Bản, doanh nghiệp thường bố trí ký túc xá cho người lao động với chi phí dao động từ 25,000 đến 70,000 yên mỗi tháng, đã bao gồm tiền nhà và các chi phí tiện ích (điện, nước, wifi). Phòng ở thường được sắp xếp cho 1-4 người, được trang bị khu vực bếp và phòng tắm dùng chung. Các bạn người Việt ở Nhật thường chọn cách tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí, với mức chi tiêu khoảng 20,000-35,000 yên mỗi tháng cho việc ăn uống.
Ảnh: Mẫu chi phí sinh hoạt trung bình của một thực tập sinh Kỹ năng đặc định ngành gia công nội thất tại tỉnh Hyogo – Nhật Bản.
Nguồn: Dự án Kokoro
Ở Đức, hợp đồng thuê nhà nằm trong những yêu cầu để xin thị thực xuất cảnh, vì vậy, khi sang bạn sẽ chắc chắn có nơi ở. Cộng đồng người Việt ở Đức cũng rất mạnh, nên bạn có thể liên hệ các anh chị trong nhóm cộng đồng để xin ở ghép hoặc nhờ các anh chị tư vấn về chỗ ở cũng như nội thất tối thiểu cần trang bị cho nơi ở của mình.
Chăm sóc sức khỏe
Người lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi về y tế thông qua việc tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi có vấn đề về sức khỏe, bạn có thể đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, với sự hỗ trợ phiên dịch từ công ty hoặc nghiệp đoàn.
Học tập và phát triển bản thân
Nhiều anh chị đi trước đã tận dụng thời gian làm việc tại nước ngoài để phát triển bản thân. Họ tích cực học tiếng thông qua các khóa học miễn phí được các tổ chức phi chính phủ tổ chức hoặc lập nhóm tự học sau đó chủ động tham gia các kỳ thi chứng chỉ tiếng để có cơ hội kéo dài thời gian làm việc (tại Nhật) hoặc cải thiện chất lượng công việc và từ đó có mức thu nhập cao hơn. Ngoài ra, việc tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng giúp họ học hỏi được nhiều kỹ năng chuyên môn và văn hóa làm việc tiên tiến.
Kết nối cộng đồng
Hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều người lao động Việt Nam sang làm việc nhất, vì vậy, môi trường làm việc của các bạn thường có nhiều bạn đồng hương. Mọi người kết nối chặt chẽ và thường tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Các hội nhóm người Việt tại địa phương, kết nối với nhau qua mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sân chơi giao lưu và hỗ trợ bạn trong các đời sống và sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, nhìn chung người Nhật cũng đánh giá cao tính cách hòa đồng thân thiện và tinh thần chịu thương chịu khó của người Việt. Đây là nền tảng để bạn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp người Nhật và những người lao động xuất khẩu tới từ các quốc gia khác.
Tại Đức, bạn có thể kết nối với các cộng đồng người Việt ở trường hoặc địa phương, ngoài ra, cũng có thể nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan lãnh sứ quán để được kết nối với các anh chị người Việt tại địa phương.
—
Hành trình làm việc tại nước ngoài không chỉ mở ra cơ hội phát triển mà còn là bước ngoặt quan trọng, đòi hỏi phải trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để bảo vệ quyền lợi của mình trong môi trường trường mới. Hy vọng những thông tin chi tiết về điều kiện làm việc, quyền lợi và nghĩa vụ người lao động, cách quản lý hồ sơ cũng như mạng lưới hỗ trợ mà Vilaco cung cấp ở trên sẽ giúp bạn tự tin và chủ động hơn khi làm việc tại nước ngoài.