XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG KHÔNG CHỈ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Ngoài việc giúp cải thiện tình trạng đói ngèo, nguồn thu của lao động xuất khẩu còn có vai trò thúc đẩy đầu tư, giảm bớt sự lệ thuộc vào các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, cũng như viện trợ của các nước phát triển.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2001 đến 2005, thu nhập do lao động xuất khẩu của các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã gia tăng gấp đôi và lên tới hơn 43 tỷ USD. Tại khu vực Nam Á, con số này là 32 tỷ USD, tăng 67% so với những năm trước đó.
Còn nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng cho thấy, khoản thu nhập từ lao động xuất khẩu của các nước Philippines, Indonesia, Malaysia… hàng năm rất lớn. Lao động các nước này đã gửi về hơn 30% thu nhập mà họ nhận được.
Cụ thể, Philippines có hơn 8 triệu lao động làm việc ở nước ngoài vào năm 2006, đã gửi về nước11,8 tỷ USD kiều hối qua các kênh chuyển tiền chính thức. Ước tính, tổng số kiều hối do lao động nước này gửi về qua các kênh khoảng từ 14 tỷ đến 21 tỷ USD, lớn hơn cả số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và viện trợ quốc tế vào Philippines. Dự kiến vào năm 2010, con số này sẽ tăng lên 21,4 tỷ USD.
Với đất nước Srilanka, thu nhập từ xuất khẩu lao động hiện cao hơn thu nhập từ xuất khẩu chè, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nước này.
Trao đổi với VnEconomy , nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài để đẩy mạnh “phong trào” xuất khẩu lao động, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát.
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện Việt nam có trên 400.000 người đang làm việc ở trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài giải quyết tình trạng thất nghiệp, xoá đói giảm nghèo, hàng năm, số lao động trên gửi về nước một khoản tiền không nhỏ, khoảng 1,7 tỷ USD.
Nhiều địa phương trong cả nước cũng đã có những ghi nhận cụ thể về lợi ích thiết thực của công tác xuất khẩu lao động.
Ông Phan Sỹ Dương, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết, hiện cả tỉnh này đang có 36.000 người xuất khẩu lao động, nguồn thu nhập lao động gửi về qua các ngân hàng thương mại năm 2007 khoảng 90 triệu USD, chưa kể nguồn do lao động mang về trực tiếp, hoặc bằng con đường khác.
Ông Dương nói, trước đây phần lớn các xã thuộc huyện miền núi của tỉnh Nghệ An chủ yếu là những xã nghèo. Từ khi có “phong trào” xuất khẩu lao động, nhiều gia đình trong xã đã có “của ăn của để”, nhà cửa khang trang hơn…
Thậm chí, nhiều vùng thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã mất đi những cái tên gọi hành chính mà thay vào đó là những tên gọi thân mật như “làng xuất khẩu lao động”, hay “xóm Hàn Quốc”…
Người dân nhiều xã khi được hỏi cũng thật thà , ở vùng này cứ nhà nào có 1 người đi xuất khẩu lao động có thể nuôi được 4 – 5 người. So với trước đây, ngoài làm ruộng, họ phải làm thêm đủ thứ nghề mà vẫn không đủ sống.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lương trào, để thu hút một nguồn kiều hối lớn từ xuất khẩu lao động, chúng ta cần phải có phương pháp đào tạo bài bản, tăng nguồn lao động có nghề.
Một lao động có nghề mức thu nhập gấp 2 đến 3 lần lao động phổ thông. Đây cũng chính là lý do mà các nước có nhu cầu nhập khẩu lao động rất “chuộng” lao động Philippines, Indonesia… hơn những nước khác.