Follow us:
  • By admin
  • 28/06/2021
  • No Comments

NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI NHẬT BẢN: VỮNG TIN VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH

Trải qua một thời gian dài chống chịu với dịch bệnh Covid-19, công việc của người lao động (NLĐ) Việt Nam tại Nhật Bản – thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn nhất của Việt Nam – từng bước trở lại quỹ đạo bình thường mới. Đây thực sự là tin vui với nhiều NLĐ đang và sẽ làm việc tại đất nước “mặt trời mọc”.

Cuộc sống dần ổn định

Đến lúc này, anh Bùi Sơn Hải (Công ty CP Emuesute) đã dần thích ứng với điều kiện bình thường mới tại Nhật Bản. Theo anh Hải, sang Nhật được ít lâu, thì dịch bệnh bùng phát khiến cho cuộc sống của anh và NLĐ gặp rất nhiều khó khăn. Giờ thì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Anh cũng đã quen với cuộc sống tại xứ sở mặt trời mọc, cũng như thích ứng với điều kiện dịch bệnh. “Nay đi làm hay ra ngoài đều phải đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên” – anh Hải chia sẻ.

TTS cty Vilaco đang làm việc tại Nhật Bản (Ảnh: TTS Vilaco)
TTS cty Vilaco đang làm việc tại Nhật Bản (Ảnh: TTS Vilaco)

Tương tự, chị Nguyễn Thị Quỳnh Giang (Công ty CP Minami) đến Nhật được một năm rưỡi. Sang Nhật ngay từ khi còn chưa bùng dịch, khi dịch bệnh xảy ra, chị Giang còn đang bỡ ngỡ với cuộc sống mới nên chị từng phải trải qua thời gian lo lắng để rồi dần thích nghi và thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch.

Đây là hai trong số hàng nghìn NLĐ làm việc tại Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa qua.

Theo bà Lưu Thị Ngọc Túy – Giám đốc Công ty CP Nhân lực Quốc tế Việt (Vilaco), DN lâu năm trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản – qua nắm bắt thông tin từ các thực tập sinh, NLĐ đang làm việc tại Nhật Bản, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, song NLĐ tại Việt Nam được Chính phủ, các DN tại đây rất quan tâm và dành nhiều hỗ trợ, khi thu nhập bị giảm sút.

“Hiện nay công việc cũng dần ổn định hơn, nhiều bạn được đi làm đủ ngày công, hơn nữa nhiều DN cho làm thêm từ 1 giờ đến 3 giờ, nên thu nhập của NLĐ cũng cải thiện, trung bình khoảng 30 triệu/ tháng” – bà Túy cho biết.

Về phía đơn vị, bà Túy cho biết, dịch bệnh đã gây khó khăn chung cho NLĐ, cho DN, nhưng NLĐ luôn dễ tổn thương hơn cả. Do đó “quan điểm nhất quán của DN, đó là tập trung chăm lo tốt cho NLĐ, gồm cả NLĐ đang ở nước ngoài, hay học viên chờ bay. Bởi khi có niềm tin của NLĐ, DN sẽ có tất cả” – bà Túy chia sẻ.

Để hỗ trợ NLĐ nước ngoài do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng chính sách: NLĐ bị nghỉ việc tạm thời do DN thu hẹp sản xuất, hoặc NLĐ bị mất việc do DN phá sản vì dịch bệnh sẽ được nhận trợ cấp nghỉ việc tạm thời với mức từ 6.815-8.330 yên/người/ngày (tương đương 1,5-1,8 triệu đồng/ngày). Ngoài ra, NLĐ bị mất việc còn được chuyển đổi tư cách lưu trú thành “hoạt động đặc định” thời hạn tối đa 1 năm và được làm việc trong 14 lĩnh vực hiện Nhật Bản cho phép tiếp nhận lao động đặc định gồm: Hộ lý, xây dựng, dịch vụ lưu trú khách sạn, nông nghiệp…

Nhớ lại thời điểm mới sang Nhật Bản cách đây hơn 2 năm, chị Đào Thị Hậu (hiện làm việc tại Công ty CP Asoengei) cũng như nhiều NLĐ khác đều bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến mỗi trường làm việc mới. Ở thời điểm dịch bệnh bùng phát, chị và đồng nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do mới làm quen với công việc. Song các chị đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, DN Nhật Bản. “Chúng tôi được xí nghiệp chuẩn bị nơi ăn chốn ở, phương tiện, đồ dùng sinh hoạt. Đến khi dịch bệnh xảy ra, cuộc sống có bị đảo lộn, song may mắn là vẫn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, DN” – chị Hậu cho biết.

Gửi gắm niềm tin vượt qua đại dịch

Theo chị Hậu, khi dịch bệnh bùng phát tại Nhật Bản, Chính phủ và các DN tại đây đã có phản ứng rất nhanh chóng, kịp thời; đồng thời yêu cầu người dân, NLĐ nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch.

“Là NLĐ Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, chúng tôi luôn xác định ngoài việc tìm kiếm thu nhập cho bản thân, gia đình, thì mỗi NLĐ còn là đại diện cho người dân Việt Nam, nên khi được yêu cầu chung tay phòng, chống dịch, NLĐ Việt Nam đã sẵn sàng chấp hành” – chị Hậu cho biết.

Nhớ lại thời điểm đỉnh của dịch, anh Bùi Sơn Hải cho biết, bản thân anh và các lao động Việt Nam đều rất lo lắng. “Chúng tôi luôn cập nhật diễn biến dịch bệnh và chủ động phòng ngừa. Đặc biệt, theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau đeo khẩu trang và sát khuẩn, thực hiện thông báo từ DN và Nghiệp đoàn, hạn chế ra ngoài” – anh Hải cho biết.

Tại buổi tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ông Yamada Takio vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị Nhật Bản tiếp tục quan tâm chăm lo cho NLĐ Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời đề nghị Chính phủ Nhật Bản sớm tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang làm việc, đặc biệt là NLĐ đã học xong chương trình đào tạo nhưng do dịch Covid-19 chưa sang được Nhật Bản (khoảng 30.000 người). Đại sứ Yamada Takio cho biết sẽ trình Thủ tướng Nhật Bản xem xét; đồng thời chia sẻ về kế hoạch tiếp nhận NLĐ Việt Nam sang Nhật làm việc đối với các ngành hộ lý, công nghệ thông tin… theo Chương trình kỹ năng đặc định.

Chung tâm trạng, chị Quỳnh Giang cho biết, điều mong muốn nhất của bản thân chị và nhiều đồng nghiệp Việt Nam lúc này, đó là mong dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống sinh hoạt được trở lại bình thường, có nhiều việc làm thêm để gửi tiền giúp đỡ gia đình.

TTS Vilaco đi làm tại công ty cổ phần Minami, luôn đeo khẩu trang đầy đủ (Ảnh: TTS Vilaco)
TTS Vilaco đi làm tại công ty cổ phần Minami, luôn đeo khẩu trang đầy đủ (Ảnh: TTS Vilaco)

Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, trong đó có Việt Nam, nhiều NLĐ vẫn từng ngày dõi theo thông tin về người thân và tình hình dịch bệnh trong nước. Đồng thời, nhiều NLĐ không quên gửi lời tri ân đến DN XKLĐ đã quan tâm và chia sẻ khó khăn; cũng như nhắn nhủ đến học viên chờ bay: “Trong thời gian chờ nhập cảnh, các bạn hãy cố gắng học thật nhiều tiếng Nhật – bởi đây chính là cầu nối rất quan trọng trong công việc, cuộc sống cũng như tương lai của mỗi người”.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, NLĐ xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, giúp mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, cũng như giúp cải thiện đời sống cho NLĐ. Trong đó, thị trường Nhật Bản có truyền thống gắn bó và luôn có tiềm năng lớn với Việt Nam. “Hơn bao giờ hết, các DN XKLĐ, NLĐ càng cần phải cố gắng; DN không được bỏ rơi NLĐ, NLĐ tin tưởng vào DN, nuôi dưỡng niềm tin để cùng nhau vượt qua khó khăn” – một lãnh đạo Cục cho biết.