Follow us:
BA PHƯƠNG THỨC ĐI DU HỌC NHẬT BẢN
  • By admin
  • 22/09/2020
  • No Comments

BA PHƯƠNG THỨC ĐI DU HỌC NHẬT BẢN

Có 3 cách (phương thức) chủ yếu để vào học tại các trường đại học ngắn hạn, trường chuyên môn, trường đại học hay cao học của Nhật Bản:
Phương thức A: Vào học các trường đại học hoặc trường chuyên môn sau khi đã kết thúc khóa học tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ của Nhật Bản.
Phương thức B: Đến Nhật và dự thi vào các trường đại học hoặc trường chuyên môn, nếu đỗ thì sẽ nhập học.
Phương thức C: Dự thi ở nước ngoài, đến Nhật sau khi có giấy cho phép nhập học.

Tùy theo mỗi phương thức mà việc thu thập thông tin, cách dự thi hay thủ tục xin Visa, thời gian du học và chi phí cũng khác nhau. Phương thức nào cũng có những ưu và nhược điểm. Dưới đây liệt kê những ưu và nhược điểm của từng phương thức. Hãy thử suy nghĩ xem phương thức nào là khả thi cho chính mình nhé.

Ở phương thức A, trước hết phải đến Nhật sau khi nhận được giấy cho phép nhập học của trường Nhật ngữ, và sau khi học xong tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ ở Nhật Bản, bạn sẽ dự thi và nhập học vào các trường đại học và trường chuyên môn.
Những ưu điểm của phương thức này như sau:
○ Không mất nhiều thời gian học tiếng Nhật ở trong nước.
○ Trải qua thời gian học tiếng Nhật từ 6 tháng đến 2 năm, bạn sẽ củng cố được năng lực tiếng Nhật, làm nền tảng cho việc du học Nhật Bản.
○ Có thể quen dần với cuộc sống ở Nhật trong thời gian học tiếng Nhật.
○ Bạn có thể tìm hiểu thông tin để học lên cao hơn ngay tại Nhật nên sẽ dễ dàng tìm được thông tin hơn so với việc tìm hiểu từ trong nước (Việt Nam).
Những nhược điểm của phương thức này như sau:
● Thời gian học từ khi đến Nhật cho đến khi tốt nghiệp các trường đại học sẽ bị kéo dài, dẫn đến tổng số chi phí cho học phí và sinh hoạt phí cũng sẽ tăng lên.
● Do thời gian học tiếng Nhật tối đa là 2 năm, nên trong 2 năm này nếu không đỗ được trường đại học hay trường chuyên môn nào thì sẽ phải về nước.

Phương thức B

Ở phương thức B, trước hết khi ở trong nước phải thu thập thông tin về nơi định học lên, nộp hồ sơ và nhận phiếu dự thi qua bưu điện, rồi đến Nhật để dự các kì thi vào đại học hoặc trường chuyên môn. Sau đó bạn sẽ tạm thời quay về nước chờ kết quả, nếu đỗ sẽ quay lại Nhật và nhập học.
Những ưu điểm của phương thức này như sau:
○ Thời gian từ khi đến Nhật cho đến khi tốt nghiệp ngắn hơn phương thức A nên tổng chi phí du học cũng ít hơn so với phương thức A.
○ Nếu có thất bại tại kì thi nhập học, thì vẫn có thể chờ cơ hội tiếp theo ở trong nước, nên có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí.
○ Nếu trong thời gian tạm trú tại Nhật mà có thể hoàn thành xong việc dự thi, có kết quả đỗ và hoàn tất thủ tục nhập học, thì có thể ở lại Nhật luôn với tư cách du học mà không cần quay về nước.
Những nhược điểm của phương thức này như sau:
● Cần phải chuẩn bị đầy đủ năng lực Nhật ngữ (tùy từng trường có thể yêu cầu tiếng Anh).
● Trong trường hợp không thể trực tiếp nộp hồ sơ dự thi từ trong nước thì phải nhờ nộp hồ sơ thông qua bạn bè, người quen hoặc họ hàng đang sống tại Nhật.
● Trong trường hợp phải dự cả kì thi du học Nhật Bản và kì thi nhập học, bạn phải đến Nhật rồi quay về vài lần. Nếu trong khoảng thời gian đó bạn không quay về nước thì thời gian trú lại ở Nhật sẽ kéo dài và kinh phí cũng tăng lên.

Phương thức C: Nhận giấy phép nhập học trước khi đến Nhật

Trong số các trường đại học, trường đại học ngắn hạn, cao học, có những trường sẽ dựa trên thành tích kì thi Du học Nhật Bản mà học sinh tham dự từ trong nước để cấp giấy phép nhập học. Tuy nhiên, hiện nay kì thi du học Nhật bản chưa được tổ chức tại Trung Quốc.
Ngoài ra, có trường không thông qua kì thi Du học Nhật Bản mà tổ chức thi tuyển ở nước ngoài, hay chỉ xét hồ sơ từ nước ngoài rồi cấp giấy nhập học.
Phương thức thi tuyển này được gọi là “Nhận giấy phép nhập học trước khi đến Nhật”
Một số trường đại học có chương trình đào tạo chỉ bằng tiếng Anh, và không yêu cầu năng lực tiếng Nhật tại thời điểm nhập học. Phần nhiều những chương trình tiếng Anh như vậy thì có thể dự thi tuyển sinh mà không cần phải đến Nhật. Dưới đây là danh sách những chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Những ưu điểm của phương thức này như sau:
○ Thời gian từ khi đến Nhật cho đến khi tốt nghiệp ngắn hơn phương thức A nên tổng chi phí du học cũng ít hơn so với phương thức A.
○ Không cần phải đến Nhật dự thi như phương án B nên tiết kiệm chi phí và thời gian hơn phương án B.
○Sau khi đến Nhật có thể bắt đầu học chuyên ngành được ngay.
○Có rất nhiều trường đại học quốc lập cấp giấy phép nhập học với tư cách nghiên cứu sinh sau khi thẩm tra hồ sơ được gửi từ nước ngoài.
Những nhược điểm của phương thức này như sau:
● Cần phải chuẩn bị đầy đủ năng lực Nhật ngữ (tùy từng trường có thể yêu cầu tiếng Anh).
● Có ít lựa chọn do không nhiều trường thực hiện cấp giấy phép nhập học trước khi đến Nhật.
● Do không thu thập đủ thông tin về trường ở trong nước, nên có trường hợp sau khi nhập học mới biết là trường không đúng như kì vọng của mình.