NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Hiện nay, với xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa thì xuất khẩu lao động ngày càng diễn ra phổ biến. Xuất khẩu lao động là một trong những hình thức cung ứng lao động phổ biến hiện nay. Nhiều người lao động chọn hình thức này để tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân có tương lai mới tại các quốc gia và lãnh thổ khác. Vậy xuất khẩu lao động là gì? Có những hình thức xuất khẩu lao động nào? Xuất khẩu lao động đem lại cho bạn và cho xã hội những lợi ích gì?
* Vậy xuất khẩu lao động là gì?
Xuất khẩu lao động trong tiếng Anh là Labor Export – đây là hoạt động kinh tế thuộc nhóm ngành xuất khẩu lao động có tổ chức đưa người lao động tới một quốc gia, lãnh thổ khác để làm việc trong thời gian nhất định để có thể thu lệ phí từ bên nhập khẩu lao động.
Đây được coi như một hoạt động kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, giải quyết được việc làm tạo thêm thu nhập để nâng cao trình độ kinh tế xã hội, tăng giá trị thu nhập ngoại tệ.
* Các hình thức xuất khẩu lao động?
Theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, có 4 hình thức xuất khẩu lao động chủ yếu sau đây:
1. Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Hình thức này được thực hiện bởi các doanh nghiệp được Bộ Lao động – TB&XH cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp khai thác hợp đồng cung ứng lao động, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, tổ chức tuyển chọn người lao động, đưa và quản lý người lao động ở ngoài nước. Đây là hình thức phổ biến nhất, được nhiều người lao động lựa chọn nhất khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Luật quy định tổ chức sự nghiệp tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là để thực hiện các thoả thuận hoặc điều ước quốc tế ký kết với phía nước tiếp nhận lao động về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Các tổ chức sự nghiệp là tổ chức công, thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và được thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giao nhiệm vụ.
2. Thông qua doanh nghiệp nhận thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài
Các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân Việt Nam, trúng thầu ở nước ngoài, đưa người lao động của doanh nghiệp mình đi làm việc ở các công trình trúng thầu ở nước ngoài hoặc là các tổ chức, cá nhân của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân này đầu tư thành lập ở nước ngoài.
Người lao động đi theo hình thức này phải là người lao động đã có hợp đồng lao động với doanh nghiệp và chỉ đi làm việc tại các công trình trúng thầu hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài.
3. Thông qua doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề
Đây là hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mới được đưa vào điều chỉnh trong Luật. Hình thức này xuất hiện tượng đối nhiều trong những năm qua tại các doanh nghiệp, nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều kiện để đi làm việc theo hình thức này ngoài những điều kiện cơ bản đã nêu ở trên thì người lao động phải là người đã có hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp đưa đi và ngành, nghề người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này phải phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Người lao động tự đi theo hình thức hợp đồng cá nhân
Đây là hình thức mà người lao động ký hợp đồng trực tiếp với chủ sử dụng, không thông qua bên trung gian môi giới. Sau đó, người lao động trực tiếp đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước để đăng ký hợp đồng cá nhân và khi làm việc ở nước ngoài thì đăng ký công dân với Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước sở tại.
* Tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu lao động?
Xuất khẩu lao động hiện nay ngày càng khẳng định được vai trò và ưu thế của một phương thức đổi mới giúp nguồn lao động của Việt Nam có giá trị hơn. Xóa đói giảm nghèo bền vững đồng thời thúc đẩy sự luân chuyển giá trị nguồn ngoại tệ để góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Với hơn 500.000 lao động và các chuyên gia đang hoạt động làm việc tạo hơn 50 quốc gia và cùng lãnh thổ trên toàn thế giới ở 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Việt Nam đang góp mình vào trong danh sách top đầu các nước có tỉ lệ người xuất khẩu lao động cao nhất. Trong thời điểm hiện tại, lao động Việt đang chiếm lĩnh nguồn lao động cao nhất tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số những quốc gia khác.
* Những lợi ích mà xuất khẩu lao động đem lại:
– Tăng nguồn thu nhập và thay đổi nhận thức
Thu nhập là mục tiêu hàng đầu của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Thông thường sau 3 năm làm việc, nếu người lao động hoàn thành các cam kết theo hợp đồng đã ký giữa người sử dụng lao động với công ty xuất khẩu lao động thì người lao động có thể tích lũy được một khoản tiền tương đối lớn. Tính chung người lao động đi làm ở nước ngoài bình quân thu nhập sẽ gấp 5 đến 10 lần so với thu nhập trong nước. Bình quân sau mỗi hợp đồng 3 năm làm việc tại nước ngoài, một người lao động sẽ tiết kiệm được số ngoại tệ tương đương khoảng 200-500 triệu đồng Việt Nam. Với số vốn tích lũy được, nhiều người lao động không chỉ xóa được nghèo mà còn có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế.
Ngoài ra, xuất khẩu lao động cũng giúp thay đổi tư duy, nhận thức và nâng cao kỹ năng làm việc của người lao động. Xuất khẩu lao động đã giúp một bộ phận người Việt tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ và tay nghề. Đồng thời, nâng cao vốn ngoại ngữ, trau dồi hiểu biết và văn hóa, kiến thức và thay đổi thái độ, thói quen, hành vi theo hướng tích cực hơn nhờ quá trình làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp tại nước ngoài. Và trong một tương lai không xa, lao động Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành những người “Công dân toàn cầu”.
– Thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội
Đối với một quốc gia gần 100 triệu dân, với trên một nửa dân số là người trong độ tuổi lao động. Trong những năm gần đây số lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ta mỗi năm lên đến trên dưới 70 nghìn người và tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 800 nghìn người Việt Nam đang làm việc và sinh sống ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguồn thu nhập cao từ hoạt động xuất khẩu lao động của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân của họ, giúp nhiều gia đình trở lên khá giả, nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và ổn định của xã hội.
– Đem lại giá trị và nguồn thu nhập ngoại tệ, tiết kiệm chi phí đầu tư giải bài toán kinh tế cho đất nước
Mỗi năm có hàng nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài đã gửi về nước một lượng ngoại tệ đáng kể. Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 500.000 lao động đang làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD. Kết thúc năm 2018, ghi nhận kỷ lục là năm thứ 5 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm. Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 400 – 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700 – 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), 1000 – 1.200 USD/ tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. “Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn”. Đánh giá về xuất khẩu lao động của Việt Nam, nhiều chuyên gia khẳng định, ngành xuất khẩu lao động không những trở thành ngành kinh tế đối ngoại mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, mà còn là giải pháp tạo việc làm trong chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
– Thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế
Một trong những lợi ích to lớn của xuất khẩu lao động là mở rộng quan hệ đối ngoại, từ đó quan hệ giữa quốc gia cung ứng lao động và quốc gia tiếp nhận lao động sẽ trở lên gắn bó hơn, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Xuất khẩu lao động còn là công cụ để chuyển giao trí tuệ, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp học hỏi, đào tạo được đội ngũ lao động có chất lượng, nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới.
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, sau ngành hàng không, khách sạn và du lịch. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều giải pháp để từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2021, Bộ Lao động – TB&XH đưa ra mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.
Cho đến thời điểm hiện tại dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam. Hiện có một số quốc gia và vùng lãnh thổ về cơ bản đã khống chế được sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, từng bước nới lỏng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để khởi động lại và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có việc tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài vào làm việc. Để từng bước phục hồi lại hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình và trạng thái bình thường mới tại Việt Nam, cũng như tại các quốc gia tiếp nhận lao động, Bộ Lao động – TB&XH đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đối với thị trường tiếp nhận lao động không có chính sách hạn chế về việc xuất – nhập cảnh, tiếp nhận lao động nước ngoài, đề nghị các doanh nghiệp chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cở sở chính sách, quy định của nước sở tại để bảo đảm người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh. Bảo đảm việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người lao động trong trường hợp nghi hoặc bị nhiễm dịch bệnh. Thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký và quy định sở tại trong trường hợp phải khám, chữa bệnh; giãn, giảm giờ làm, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Đối với các công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương về phòng, chống dịch Covid-19; kết hợp đào tạo trực tuyến đối với lao động chưa thể tập trung đào tạo trực tiếp.