Toàn cảnh cần biết về Điều kiện Nhập cư Đức
  • By admin
  • 17/03/2025
  • No Comments

Toàn cảnh cần biết về Điều kiện Nhập cư Đức

Người Việt nhập cư xuất khẩu lao động Đức cần lưu ý gì?

Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) đã có nhiều cải cách về Luật nhập cư, tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động ở các nước ngoài EU được nhập cư vào Đức theo nhiều diện nhập cư khác nhau. Vilaco sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về điều kiện, thủ tục nhập cư Đức và một số điểm cần lưu ý khi người Việt xuất khẩu lao động ở CHLB Đức.

CHLB Đức: miền đất rộng mở cho người nhập cư

CHLB Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đóng góp tới 24% vào GDP của Liên minh châu Âu (năm 2022), kèm theo đó là hệ thống an sinh xã hội tối ưu, với hệ thống bảo hiểm có lịch sử triển khai từ thế kỷ XIX, bao gồm: Bảo hiểm y tế (1883), Bảo hiểm tai nạn (1884), Bảo hiểm hưu trí (1889); Bảo hiểm thất nghiệp (1927), Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe (1994).

CHLB Đức thường xuất hiện trong các bảng xếp hạng “Các nền giáo dục chất lượng nhất toàn cầu”, “Các nước có hệ thống giáo dục công phát triển nhất” với chương trình đào tạo tân tiến, cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Bên cạnh đó, công dân Đức được hưởng hàng loạt hình thức bảo trợ xã hội khác, như: trợ cấp thất nghiệp, bảo trợ nuôi dưỡng trẻ em, bảo trợ dành cho người già…

Cùng với chính sách nhập tịch ngày càng được nới lỏng, CHLB Đức đã trở thành miền đất đầy hứa hẹn cho người nhập cư trong nhiều năm qua. Riêng trong năm 2022, đã có hơn 1,4 triệu lượt người nhập cư vào Đức, tăng gấp 3 lần so với năm 2021 và đạt mức cao chưa từng thấy kể từ khi nước Đức tiến hành thống kê các số liệu di cư (1950).

Nước Đức trở thành miền đất đầy hứa hẹn cho người nhập trong nhiều năm qua. Ảnh: Pexel.

Để nhập cư vào Đức, về cơ bản, người nhập cư cần chuẩn bị tài chính để chi trả sinh hoạt phí tương đối cao, đặc biệt là chi phí nhà ở. Việc học tiếng Đức và xin giấy tờ cư trú theo luật pháp Đức, luật pháp EU đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực không nhỏ.

Những yếu tố này không ngăn được dòng người di cư được chính phủ CHLB Đức thu hút mỗi năm – như một phần giải pháp của quốc gia này cho vấn đề già hóa dân số. Theo dự báo, từ nay đến năm 2030, CHLB Đức dự kiến thiếu hơn 5 triệu người lao động. Trong khi đó, báo cáo “Tình hình người di cư năm 2022” của chính phủ CHLB Đức cho thấy: trong năm 2022, chỉ có hơn 133 nghìn người nhập cư Đức theo diện lao động và học tập – cho thấy sự chênh lệch giữa cung và cầu trong thị trường lao động nhập cư Đức.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ CHLB Đức đã có nhiều cải cách về Luật nhập cư, tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động ở các nước ngoài EU được nhập cư vào Đức theo nhiều diện nhập cư khác nhau. Vilaco sẽ giúp bạn có thông tin toàn cảnh về điều kiện, thủ tục nhập cư Đức hiện nay và một số điểm cần lưu ý khi người Việt nhập cư Đức.

Các diện nhập cư hợp pháp theo quy định của CHLB Đức

Với người nhập cư từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu, chính phủ CHLB Đức đang phân loại diện nhập cư theo mục đích: Lao động, học tập, đoàn tụ gia đình và tị nạn.

Diện nhập cư lao động bao gồm nhiều loại thị thực lao động (Arbeitnehmer Visum) khác nhau, tương ứng với các trình độ lao động và tình trạng bằng cấp khác nhau, tạo điều kiện tối đa để thu hút nhân lực từ các ngành mà CHLB Đức đang thiếu hụt như y tế, cơ khí, công nghệ, IT…

  • Visa cho Lao động lành nghề đã qua đào tạo đại học (Fachkräfte mit akademischer Ausbildung​​​​​​), với bằng đại học được công nhận tại Đức.
  • Visa cho Lao động lành nghề đã qua đào tạo nghề (Fachkräfte mit Berufsausbildung), với bằng nghề được công nhận tại Đức. Trong đó, một số ngành nghề nhất định, do chính phủ Đức quản lý, đặc biệt là ngành y tế yêu cầu thêm giấy phép hành nghề.
  • Visa cho Người lao động chưa có bằng cấp được công nhận tại Đức nhưng có kinh nghiệm, tay nghề (Arbeitskräfte ohne Ausbildung).
  • Visa Blue Card EU (Blaue Karte EU) cho người lao động có trình độ cao với hợp đồng lao động có mức lương từ khoảng 58.400 EUR/năm (hoặc thấp hơn trong các ngành thiếu hụt).
  • Visa Nhà khoa học (Wissenschaftler) dành cho giảng viên nhập cư vào Đức để giảng dạy, nghiên cứu hoặc học Tiến sĩ
  • Visa Trông trẻ (Aupair) dành cho người từ 18 – 27 tuổi đến chung sống với một gia đình sử dụng tiếng Đức trong thời gian tối thiểu là 6, tối đa là 12 tháng và chăm sóc ít nhất một trẻ em chưa đến tuổi thành niên.
  • Các loại visa khác cho người tự doanh, lao động tự do, tham dự các chương trình thực tập, chương trình tình nguyện; hoặc visa cho nhân sự (quản lý, chuyên gia hoặc thực tập sinh) được một công ty luân chuyển, điều chuyển tới chi nhánh ở Đức.

CHLB Đức tạo điều kiện tối đa để thu hút nhân lực từ các ngành y tế, cơ khí, công nghệ, IT – Ảnh: Các cơ quan đại diện CHLB Đức tại Việt Nam.

Để nhập cư Đức theo diện học tập, người nhập cư có 04 lựa chọn:

  • Tham gia chương trình trao đổi sinh viên hoặc học trường nội trú
  • Du học đại học: du học tự túc hoặc du học theo chương trình học bổng
  • Học nghề: học nghề tại trường kỹ thuật, trường dạy nghề hoặc tham gia chương trình “đào tạo kép” diễn ra luân phiên ở trường dạy nghề và doanh nghiệp
  • Tham gia khóa học ngôn ngữ tại Đức

Đáng chú ý, từ tháng 6/2024, chương trình Thẻ cơ hội (Chancenkarte) đã chính thức có hiệu lực, tạo điều kiện cho người chưa tìm được việc làm trước khi vào Đức được đến Đức và ở lại tối đa 01 năm để tìm việc làm. Người được cấp “Thẻ cơ hội” cũng có thể tham gia các khóa học nâng cao trình độ để bằng cấp của họ (ở cấp ở nguyên quán) được công nhận ở Đức.

Bên cạnh đó, nước Đức cũng có chính sách định cư theo diện đoàn tụ gia đình dành cho người có thân nhân là công dân hoặc thường trú nhân tại Đức, nhập cư theo diện tị nạn chính trị. Người đã sống và làm việc tại Đức trên 5 năm sẽ có cơ hội nhận giấy phép cư trú dài hạn (Niederlassungserlaubnis) với nhiều quyền lợi và nghĩa vụ tương đương công dân Đức.

Người xuất khẩu lao động hưởng lợi gì từ Luật Nhập cư mới của CHLB Đức (2023)?

Người lao động nhập cư vào CHLB Đức sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ những điểm đổi mới trong Luật Nhập cư lao động có tay nghề – chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2024. Các điểm cải tiến chủ yếu tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, công nhận bằng cấp, chứng chỉ của các bên đã tạo thêm cơ hội cho người lao động có trình độ đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Việt Nam.

Điểm cải tiến nổi bật của Luật này là cơ chế tính điểm dành cho những người chưa đặt chân vào Đức, dựa trên 5 tiêu chí:

  • Bằng cấp, trình độ
  • Biết tiếng Đức
  • Đã có kinh nghiệm nghề nghiệp
  • Có liên hệ với nước Đức hoặc với người đang sống ở Đức
  • Tuổi dưới 35

Những người thỏa mãn các tiêu chí trên sẽ được cấp “Thẻ cơ hội”, cho phép họ tạm cư ở Đức tới 1 năm, kể cả khi chưa có hợp đồng lao động với doanh nghiệp nào tại CHLB Đức. Họ sẽ được phép làm việc tới 20 giờ mỗi tuần trong khi tìm kiếm việc làm lâu dài.

Đối với công dân nước thứ ba học tập tại Đức bằng thị thực sinh viên, cơ hội đi làm thêm đang được nới rộng:

Loại hình làm việc Quy định cũ Quy định mới theo Luật nhập cư 2023 của CHLB Đức
Toàn thời gian (full-time) 120 ngày/năm 140 ngày/năm
Bán thời gian (part-time) 240 ngày/năm 280 ngày/năm

Bộ luật này đã nới lỏng tới mức coi Chứng chỉ nghề chỉ là một thủ tục hành chính. Trước đây, có chứng chỉ nghề nào là có thể xin thẻ tạm cư để làm nghề đó ở CHLB Đức. Tuy nhiên, theo luật mới, mọi người đều có thể tới CHLB Đức để tìm việc, miễn là có chứng chỉ nghề. Như vậy, người nhập cư có thể làm các công việc khác với chứng chỉ được cấp ban đầu.

Thậm chí một người không có chứng chỉ hành nghề ở CHLB Đức, nhưng đã có từ 2 năm kinh nghiệm chuyên môn và được một công ty ở CHLB Đức tuyển dụng sẽ vẫn có cơ hội nhập cư. Đặc biệt, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì không cần phải chứng minh là có biết tiếng Đức và không cần có bằng Đại học.

Dự thảo luật còn cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú và làm việc ở CHLB Đức thay vì 8 năm như hiện tại. Những người có nỗ lực đặc biệt để hòa nhập xã hội, chẳng hạn như thông thạo tiếng Đức, sẽ đủ điều kiện nộp đơn sau 3 năm.

Các yêu cầu cơ bản để được xuất khẩu lao động Đức

Người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Đức cần đáp ứng 5 điều kiện cơ bản:

(1) Có hợp đồng lao động với một công ty ở CHLB Đức, với một công việc cụ thể và mức lương đạt mức tối thiểu theo quy định; quy định về mức lương tối thiểu có thể thay đổi theo sự điều chỉnh của Luật nhập cư.

(2) Trình độ chuyên môn: CHLB Đức ưu tiên nhập khẩu lao động có kỹ năng, đặc biệt trong các ngành thiếu hụt như công nghệ thông tin, y tế (điều dưỡng viên, hộ sinh, chăm sóc trẻ em, nha sĩ, dược sĩ, thú y…), cơ khí, lái xe, đầu bếp

(3) Trình độ tiếng Đức: Đạt tối thiểu trình độ A1-A2 (đối với lao động phổ thông) và B1-B2 (đối với lao động có tay nghề) theo khung tham chiếu châu Âu.

(4) Bảo hiểm: Cần tham gia bảo hiểm y tế, hưu trí, thất nghiệp tại Đức. Trong đó:

  • Bảo hiểm y tế bắt buộc (Krankenversicherung): Tất cả người lao động tại Đức, kể cả lao động nước ngoài, phải tham gia bảo hiểm y tế. Sau khi đến Đức, bạn sẽ được công ty hỗ trợ đăng ký bảo hiểm y tế, và bạn sẽ nhận được thẻ bảo hiểm y tế (Gesundheitskarte). Bảo hiểm này chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh, bao gồm cả chi phí thuốc men và điều trị nội trú.
  • Bảo hiểm xã hội (Sozialversicherung): Bảo hiểm này bao gồm các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, và bảo hiểm hưu trí. Người lao động sẽ đóng bảo hiểm thông qua mức khấu trừ từ lương hàng tháng.

(5) Chứng minh tài chính: Người lao động cần có tài khoản phong tỏa (blocked bank account) được mở tại một ngân hàng của Đức, hoặc hợp đồng lao động chứng minh thu nhập có khả năng đảm bảo sinh kế của họ tại Đức.

Diện nhập cư Yêu cầu chứng minh tài chính
Lao động lành nghề đã qua đào tạo đại học (Fachkräfte mit akademischer Ausbildung) Người lao động sẽ được cấp Thẻ Xanh EU (Blue Card) nếu tổng lương trước thuế cao hơn ngưỡng quy định (của năm 2024)
Người có trình độ đại học và có kinh nghiệm làm việc:  45.300 Euro/ 1 năm
Đối với ngành nghề thiếu nhân lực:  41.041,80 Euro/năm
Người mới vào nghề, đang trong giai đoạn 3 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học: 41.041, 80 Euro/năm
Chuyên gia công nghệ thông tin: 41.041,80 Euro/năm
Lao động lành nghề đã qua đào tạo nghề (Fachkräfte mit Berufsausbildung) Tổng mức lương ít nhất 43.470 Euro/năm (từ năm 2025)
Người trên 45 tuổi, đến Đức lần đầu cần chứng minh  tổng mức lương ít nhất là 53,130 Euro/ 1 năm (từ năm 2025)
Học nghề Tài khoản phong tỏa hoặc Giấy cam kết bảo lãnh đảm bảo chi trả:
• 959 Euro/tháng (nếu học nghề tại trường nghề)
• 927 Euro/tháng (nếu học nghề tại doanh nghiệp theo chương trình “đào tạo kép”)
Thẻ cơ hội Tài khoản phong tỏa hoặc Giấy cam kết bảo lãnh đảm bảo chi trả 1,091 Euro/tháng

Tình hình người lao động Việt Nam ở CHLB Đức

Tính đến tháng 12/2023, có hơn 127.000 người mang quốc tịch Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức – đưa cộng đồng người Việt trở thành cộng đồng gốc Á đông đảo thứ 4 ở Đức, chỉ sau Ấn Độ (khoảng 246.000 người), Trung Quốc (khoảng 155.900 người) và Iran (khoảng 155.200 người). Thống kê này chưa bao gồm cộng đồng người Đức gốc Việt.

Sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở Đức tạo ra môi trường thuận lợi để người Việt nhập cư hòa nhập với cuộc sống mới ở Đức. Nhiều tổ chức và hội nhóm được người Việt ở Đức thành lập để tương trợ lẫn nhau, chung tay tổ chức các lễ hội như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, thành lập Chợ Đồng Xuân trên đường Herzbergstrasse, quận Lichtenberg, thành phố Berlin.

Toàn cảnh “Chợ Đồng Xuân Berlin” nhìn từ trên cao – Ảnh: Dong Xuan Center

Trong khi đó, theo Bộ Lao động & thương binh xã hội nước ta, từ năm 2012 đến 2024, chỉ có khoảng 1.700 lao động Việt Nam xuất cảnh đi học tập, làm việc tại CHLB Đức. Thống kê từ phía Đức ghi nhận năm 2022 có hơn 500 người lao động Việt Nam nhập cư Đức hợp pháp bằng giấy phép lao động. Đây là con số khá khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu lao động của Đức cũng như nguồn lực dồi dào về lao động trẻ của Việt Nam.

Khi làm việc tại Đức, người lao động Việt Nam được hưởng các chế độ phúc lợi như công dân Đức như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nghỉ phép có lương (ít nhất 20 ngày/năm), công việc ổn định với mức thu nhập cao.

  • Điều dưỡng viên: Thu nhập khoảng 80 triệu đồng/tháng (3.000 Euro) khi trở thành nhân viên chính thức.
  • Ngành dịch vụ và bếp: Từ 60 – 75 triệu đồng/tháng tùy ngành nghề và vị trí.

Với người nhập cư Đức theo diện học nghề, bên cạnh quyền lợi miễn học phí, học viên và người lao động được nhận mức lương 955 – 1.600 Euro/tháng (tùy từng ngành nghề. Sau khi tốt nghiệp, mức lương có thể đạt 2.600 – 4.000 EUR/tháng, tạo nên sự ổn định tài chính lâu dài.

Đáng chú ý: Đa số các ngành nghề ở Đức yêu cầu trình độ tiếng Đức từ A2 đến B2, tùy thuộc vào công việc; một số học viên người Việt gặp khó khăn trong việc đạt được trình độ này.

Ngoài ra, một số bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề nghiệp từ Việt Nam thường cần được cơ quan có thẩm quyền tại Đức (Anerkennung) công nhận. Quá trình này có gia tăng chi phí và thời gian chờ đợi. Sự cạnh tranh của các quốc gia có nguồn lao động mạnh như Ấn Độ, Philippines trong các ngành y tế, cơ khí, IT… cũng là một điểm mà người lao động Việt Nam nên lưu tâm khi tìm hiểu cơ hội lao động ở Đức.

Các bước cần làm để chuẩn bị học tập và làm việc ở CHLB Đức

Nhìn chung, cơ hội lao động, làm việc và học nghề ở CHLB Đức vẫn luôn rộng mở với các bạn trẻ Việt Nam – nhờ hàng loạt đổi mới của chính phủ CHLB Đức trong Luật nhập cư và các hoạt động hợp tác song phương tích cực của chính phủ Việt – Đức trong những năm qua.

Hãy bắt đầu quá trình chuẩn bị xuất khẩu lao động Đức bằng việc tìm hiểu ngành nghề và cơ hội việc làm trên các trang việc làm chính thức của CHLB Đức (đã được Việt hóa một phần) như Make it in Germany hoặc Anerkennung In Deutschland – Cổng thông tin của chính phủ CHLB Đức về công nhận trình độ chuyên môn nước ngoài

Chính phủ CHLB Đức cũng cung cấp một công cụ Kiểm Tra Nhanh (Quick Check) giúp bạn tìm hiểu cơ hội nhập cư phù hợp với nhu cầu, điều kiện và năng lực cá nhân, bạn có thể sử dụng công cụ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *