Toàn cảnh cần biết về Điều kiện Nhập cư Nhật Bản
Những lưu ý khi chọn Nhật Bản để đi học và xuất khẩu lao động
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có 130,000 lao động Việt Nam xuất cảnh thành công. Riêng thị trường Nhật Bản đã chiếm gần 50%, với 62.722 lao động Việt Nam được nhập cư Nhật Bản. Về phía Nhật Bản, trong nhiều năm qua, người Việt Nam là một trong những nhóm lao động nhập cư lớn nhất, chỉ đứng sau các quốc gia như Trung Quốc, Philippines, và Nepal. Nếu bạn đang muốn gia nhập cộng đồng người Việt học tập và làm việc tại xứ sở Phù Tang, bài viết này của Vilaco sẽ giúp bạn trang bị những kiến thức đầu tiên về việc nhập cư Nhật Bản.
Nhập cư Nhật Bản: cơ hội cho lao động Việt
So với các thị trường XKLĐ tiềm năng trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á như Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan,… Nhật Bản có chính sách nhập cư nghiêm ngặt và cẩn trọng hơn, đặc biệt là với lao động phổ thông. Bất chấp vấn đề dân số già và thiếu hụt lao động, chính phủ Nhật Bản vẫn không mở cửa nhập cửa đại trà mà chủ yếu chọn lọc theo các tiêu chí cụ thể, trong đó có yêu cầu cao về ngôn ngữ (tiếng Nhật).
Thời gian gần đây, giới chức Nhật Bản bắt đầu cân nhắc nới lỏng quy định về thị thực dài hạn để thu hút lao động. Ví dụ: từ tháng 10/2023, chương trình Thực tập kỹ thuật có kế hoạch sửa đổi, cho phép Thực tập sinh (TTS) nước ngoài thay đổi nơi làm việc sau 1 năm nếu họ vượt qua bài kiểm tra kỹ năng và kỳ thi năng lực tiếng Nhật cơ bản. Trước đó, việc TTS thay đổi nơi làm việc là bất khả thi, ngay cả khi TTS phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.
Thực tế, Nhật Bản đang cần nhập khẩu lao động cho các vị trí như: công nhân dây chuyền lắp ráp, công nhân xây dựng, thu hoạch rau và điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi… Số lao động nước ngoài làm việc ở Nhật đã lên tới mức kỉ lục: 2,04 triệu người vào đầu năm 2024 – tăng 12,4% so với năm 2022, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai – theo dữ liệu từ Bộ Lao động nước này được hãng tin Bloomberg đăng tải.
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn luôn có tên trong nhiều nghiên cứu, bình chọn “quốc gia đáng sống nhất”, “nơi làm việc hàng đầu” với quyền lợi về y tế và giáo dục chất lượng cao, môi trường sống an toàn, văn hóa đặc sắc, cơ hội bảo lãnh gia đình sang định cư và cơ hội xin nhập tịch.
Ảnh: Kết quả khảo sát “Những quốc gia tuyệt vời nhất”- US News và Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania; “Điểm đến làm việc hàng đầu” – Boston Consulting Group.
Chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà và giá thực phẩm ở Nhật Bản thậm chí còn “vừa túi tiền” hơn khi so với hàng loạt các nước phát triển khác như Thụy Sĩ, Ireland, Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh, Singapore…- theo bảng xếp hạng do https://livingcost.org/ cập nhật vào tháng 10/2024.
Những điều này mở ra cơ hội nhập cư đầy hấp dẫn với các công dân toàn cầu nói chung, người lao động Việt Nam nói riêng.
Tổng quan tình hình lao động, nhập cư của người Việt Nam ở Nhật
Người Việt Nam là một trong những nhóm lao động nhập cư lớn nhất tại Nhật Bản, chỉ đứng sau các quốc gia như Trung Quốc, Philippines, và Nepal. Theo số liệu thống kê do Cơ quan Di trú trực thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, lượng người Việt Nam nhập cư Nhật Bản tính đến 30/6/2024 đã lên 600.348 người, tăng khoảng 11,5 lần so với cuối năm 2012.
Người Việt nhập cư vào Nhật bản chủ yếu theo các diện visa lao động, du học hoặc bảo lãnh gia đình. Trong đó, hình thức tu nghiệp sinh, thực tập sinh kỹ năng là phổ biến hơn cả, với khoảng 200.000 người; các loại visa kỹ năng đặc định, visa kỹ sư cũng chiếm tỉ lệ cao với khoảng 130.000 người có visa kỹ năng đặc định và khoảng 100.000 có tư cách lưu trú theo diện kỹ thuật, tri thức nhân văn, nghiệp vụ quốc tế.
Đáng chú ý, lao động người Việt có tay nghề khá cao, chiếm hơn 50% trong tổng số lao động nhập cư có tay nghề kĩ năng đặc định. Lĩnh vực làm việc chủ yếu của lao động nhập cư người Việt là công nghiệp như xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp và kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe và chế biến thực phẩm.
Lao động người Việt có tay nghề khá cao, chiếm hơn 50% trong tổng số lao động nhập cư có tay nghề kỹ năng đặc định – Ảnh: Vilaco
So với lao động đến từ Philippines hoặc Indonesia, người Việt Nam có khả năng học tiếng Nhật nhanh hơn nhờ hệ thống ngôn ngữ có sự tương đồng về cấu trúc câu và hệ thống chữ Hán.
Về điều kiện sống và làm việc, nếu lựa chọn nhập cư vào Nhật Bản theo diện lao động, phần lớn người lao động sẽ sống trong các khu nhà tập thể hoặc ký túc xá do công ty cung cấp. Mặc dù có sự cải thiện đáng kể trong những năm qua, nhưng vẫn có không ít người lao động phải sống trong điều kiện sinh hoạt hạn chế.
Về thu nhập và phúc lợi, mức lương của lao động Việt Nam tại Nhật Bản dao động tùy theo ngành nghề, loại visa và số giờ tăng ca. Mức lương tham khảo trong bảng dưới đây là lương cơ bản, chưa bao gồm lương làm thêm, lương tăng ca:
Loại visa | TTS kỹ năng (tu nghiệp sinh) | Lao động phổ thông (Kỹ năng đặc định/Tokutei) | Kỹ sư và lao động có tay nghề cao |
---|---|---|---|
Mức lương cơ bản (Yên) | 45.000 – 190.000 yên/tháng | 180.000 yên – 230.000 yên/tháng – tương đương người Nhật | Từ 200.000 yên tùy theo năng lực công việc, năng lực tiếng Nhật, Ngành nghề công việc |
Mức lương cơ bản (VNĐ) | Khoảng 29 – 38 triệu VNĐ | Khoảng 29 – 40 triệu VNĐ | Từ 30 triệu VNĐ trở lên |
Đãi ngộ, phúc lợi | Không có thưởng, tăng lương khi chính phủ Nhật Bản điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào tháng 10 hàng năm. | Được đánh giá tăng lương 2-4 lần/năm theo năng lực làm việc. Được nhận thưởng theo năng lực cá nhân, theo thành tích kinh doanh và văn hóa nội bộ của công ty (tuỳ công ty). |
Đặc biệt, thông tin từ Văn phòng Vilaco tại Nhật Bản cho biết: các bạn làm công việc điều dưỡng sẽ được nhận trợ cấp ca đêm khi làm việc từ năm 2 trở đi. Mỗi năm, nhân sự làm ở vị trí điều dưỡng được thưởng 2 lần, với mức thưởng 10 – 30 man/lần – tương đương 30 – 50 triệu VNĐ/lần thưởng.
Ngoài thu nhập, Lao động Việt Nam tại Nhật Bản còn được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế và bảo hiểm lao động theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít người lao động phải làm việc và sinh hoạt trong điều kiện kham khổ, bị đối xử không công bằng, làm việc quá giờ hoặc không được trả lương đầy đủ. Đây là những rủi ro người nhập cư Nhật Bản có thể gặp phải nếu họ không lựa chọn được công ty phái cử uy tín.
Xem thêm: Công ty phái cử là gì – Toàn cảnh cần biết về “Lao động ngoài nước”
Các rủi ro, nguy cơ khi chuẩn bị nhập cư Nhật Bản
Rủi ro có thể xuất hiện từ giai đoạn người lao động tìm hiểu cơ hội và cách thức nhập cư Nhật Bản. Một số công ty môi giới lao động, du học không có giấy phép hợp pháp sẽ đưa thông tin sai lệch về khối lượng, tính chất công việc, thu nhập và điều kiện sống… để dụ dỗ bạn ký vào những hợp đồng bất lợi, thiếu minh bạch.
Đã có nhiều trường hợp người lao động phải phải trả các khoản phí môi giới cao bất thường, lên tới 8.000 USD – 10.000 USD, thay vì 3.600–5.000 USD tùy chương trình như theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
Mức lương cơ bản, thu nhập làm thêm ở Nhật Bản cũng thường xuyên bị thổi phồng, khiến người nhập cư, đặc biệt là các bạn du học sinh, thực tập sinh, có kỳ vọng sai lầm.
Theo quy định của chính phủ Nhật Bản, sinh viên và thực tập sinh có thể làm thêm giờ nếu công ty tiếp nhận có nhu cầu, nhưng phải tuân thủ quy định về giờ làm việc tối đa: không quá 8 giờ/ngày và không quá 40 giờ/tuần trong thời gian làm chính thức. Lương làm thêm giờ (overtime) thường tính bằng 125% lương cơ bản/giờ.
Sự khác biệt trong quy định số giờ làm thêm và mức lương của sinh viên, thực tập sinh nhập cư Nhật Bản được thể hiện trong bảng sau:
Tiêu chí | Sinh viên | Thực tập sinh |
Số giờ làm thêm tối đa | 28 giờ/tuần (kỳ học), 40 giờ/tuần (kỳ nghỉ) | Không giới hạn, tùy nhu cầu của công ty |
Mức lương cơ bản | 900 – 1,200 yên/giờ | 155.000 yên – 185.000 yên/tháng |
Lương làm thêm | 900 – 1,500 yên/giờ | 1,200 – 1,500 yên/giờ (overtime 125%) |
Thu nhập trung bình | 100.000 – 140.000 yên/tháng | 170.000 – 250.000 yên/tháng |
Với mức lương cơ bản như trên, một thực tập sinh làm thêm 20 – 30 giờ/tháng có thể kiếm thêm tối đa 30.000 – 50.000 yên (tương đương 5 – 8 triệu VNĐ) tùy khối lượng công việc.
Nếu công ty môi giới “quảng cáo” rằng Thực tập sinh có thể kiếm tới hàng chục triệu đồng hàng tháng, thoải mái chi tiêu và vẫn có tiền gửi về cho gia đình, bạn nên cảnh giác với công ty môi giới đó.
Ngoài ra, một số công ty môi giới đã tìm cách trục lợi thông qua những khoản phí không rõ ràng như phí môi giới, phí đào tạo, phí dịch thuật. Đã có trường hợp người lao động phải ký các hợp đồng bất lợi, thậm chí không thể nhập cư hợp pháp khi gặp phải các đối tượng lừa đảo môi giới.
Blog 8 | Toàn cảnh cần biết về những rủi ro có thể gặp phải định đi làm việc ở nước ngoài
Nhập cư và làm việc hợp pháp ở Nhật bằng tư cách lưu trú
Chính phủ Nhật Bản không cho phép nhập cư trong các lĩnh vực không có tính chuyên môn, kỹ thuật. Vì vậy, để nhập cư và làm việc hợp pháp ở Nhật Bản, người nhập cư cần có tư cách lưu trú phù hợp, tùy theo mục đích học tập hoặc lao động.
Với du học sinh, visa du học (Student Visa) được áp dụng cho học sinh, sinh viên học tại trường Nhật ngữ, đại học, cao đẳng, trường nghề. Loại visa này vốn dĩ không cho phép du học sinh đi làm, trừ khi bạn xin được “Giấy phép làm việc ngoài tư cách lưu trú”. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể xin chuyển sang visa lao động nếu tìm được việc làm.
Với diện lao động nhập cư, có các loại visa phân theo thời gian lưu trú, trình độ học vấn, trình độ tiếng Nhật như sau:
Tư cách lưu trú | Visa thực tập sinh kỹ năng (Technical Intern Training) | Visa kỹ năng đặc định (Tokutei Ginou) | Visa lao động chuyên môn cao (Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế: Engineer/Specialist in Humanities/International Services) |
---|---|---|---|
Đối tượng phù hợp | Lao động phổ thông | Người có kỹ năng trong các ngành như xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn… | Người có chuyên môn hoặc trình độ cao như IT, giáo dục, dịch thuật, kỹ sư… |
Thời gian lưu trú | Tối đa 5 năm | Tối đa 5 năm | Không giới hạn |
Trình độ học vấn | Không có điều kiện | Không có điều kiện | Tốt nghiệp cao đẳng ở nước mẹ đẻ hoặc tốt nghiệp trường chuyên môn của Nhật trở lên |
Trình độ tiếng Nhật | Chủ yếu là N3 – N4 | Chủ yếu là N3 – N4 | Chủ yếu là N3 – N5 |
Thời gian lao động | Như người Nhật | Như người Nhật | Như người Nhật |
Quyền được chuyển việc | Không | Có | Có |
Lưu ý | Không thể chuyển đổi trực tiếp sang visa vĩnh trú, nhưng có thể chuyển sang visa kỹ năng đặc định | • Kỹ năng đặc định loại 1: Thời hạn tối đa 5 năm, không bảo lãnh gia đình. • Kỹ năng đặc định loại 2: Dành cho lao động trình độ cao, có thể cư trú lâu dài và bảo lãnh gia đình. |
Có khả năng gia hạn và tiến tới xin Visa vĩnh trú. |
Đặc biệt, người lao động có trình độ chuyên môn rất cao (nghiên cứu, kỹ thuật, kinh doanh…), có thể xin visa nhân lực chất lượng cao (Highly Skilled Professional). So với các loại visa khác, loại visa này có ưu điểm là yêu cầu về thời gian định cư để xin visa vĩnh trú ngắn hơn (từ 1-3 năm).
- Visa vĩnh trú (永住権) là visa cho phép người được cấp có quyền lưu trú, sinh sống ở Nhật trọn đời mà không bị giới hạn về thời gian hoạt động …
Nhật Bản cũng mở cửa với người nhập cư theo diện đầu tư hoặc kinh doanh với visa kinh doanh/quản lý (Business Manager Visa). Đây là loại visa dành cho người muốn thành lập hoặc điều hành doanh nghiệp tại Nhật. Nếu chứng minh được kết quả kinh doanh thành công, bạn có thể xin visa vĩnh trú.
Ngoài ra, nhập cư theo diện gia đình cũng là một con đường hợp pháp bạn đến Nhật Bản, với 2 loại visa: Visa gia đình (Dependent Visa) dành cho người phụ thuộc (vợ/chồng, con cái) được người đang lao động hoặc du học; visa kết hôn (Spouse Visa) dành cho người nước ngoài kết hôn với công dân Nhật Bản hoặc người có vĩnh trú.
Các loại visa tị nạn hoặc nhân đạo (Refugee/Resident Visa) hoặc Visa đặc biệt (Special Permission to Stay) không phổ biến với đại đa số người Việt Nam, nên Vilaco sẽ không đề cập tới trong bài viết này.
Người Việt thường du học và lao động ở Nhật Bản theo visa nào?
Với người Việt Nam có dự định nhập cư Nhật Bản để học tập và lao động, hãy xác định mục tiêu nhập cư, diện nhập cư để chọn loại visa phù hợp và khả thi nhất:
Diện nhập cư | Du học | Lao động | ||
---|---|---|---|---|
Loại visa | Visa du học | Visa thực tập sinh kỹ năng | Các loại visa Lao động | Visa lao động chuyên môn cao |
Phù hợp với | Người có dự định học tập tại trường Nhật ngữ, đại học, cao đẳng, trường nghề ở Nhật | Người làm việc trong các ngành nghề phổ thông như sản xuất, xây dựng, nông nghiệp | Người làm việc có tay nghề, kỹ năng trong các ngành như xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn | Người đã tốt nghiệp đại học và được tuyển dụng vào các ngành nghề chuyên môn tại Nhật (như IT, kỹ thuật, dịch vụ quốc tế…) |
Ưu điểm | Sau khi tốt nghiệp, có thể chuyển sang các loại visa lao động nếu tìm được việc làm | Có thể chuyển tiếp sang visa kỹ năng đặc định nếu bạn đáp ứng điều kiện | Visa Kỹ năng đặc định (特定技能 – Tokutei Ginou) số 1 có thể xin ngay khi bạn còn ở Việt Nam nếu bạn đã tham gia đào tạo và đạt chứng chỉ kỹ năng. | Có khả năng gia hạn và tiến tới xin Visa vĩnh trú |
Kinh nghiệm hỗ trợ người Việt nhập cư Nhật Bản của Vilaco cho thấy: các diện visa lao động gần như không bị từ chối cấp visa. Tuy nhiên, những công việc có yêu cầu tính chính xác cao trong thao tác công việc như kiểm tra linh kiện sẽ hạn chế tuyển dụng người bị cận thị. Với các công việc khác, người bị cận thị có thể đi lao động ở Nhật Bản và không có trở ngại gì.
Người xăm mình thường bị hạn chế hơn trong việc đăng ký tham gia các ngành nghề nhiều người Nhật Bản vẫn đang giữ suy nghĩ truyền thống, đặc biệt là người cao tuổi. Thông thường, các bạn xăm hình rồng rắn, đầu lâu, đại bàng có thể chỉ được làm việc trong các ngành ít cạnh tranh như xây dựng, nông nghiệp,… Ngành chăm sóc người cao tuổi sẽ không tiếp nhận lao động có hình xăm.
Tất nhiên, việc tuyển dụng và lựa chọn người lao động sẽ phụ thuộc vào quan điểm của chủ sử dụng lao động. Điều quan trọng là bạn cần trung thực tuyệt đối trong quá trình phỏng vấn để tránh các rắc rối về sau.
Các bước chuẩn bị để nhập cư Nhật Bản
Với một đất nước có chính sách nhập cư tương đối phức tạp và khắt khe như Nhật Bản, quá trình xin nhập cư đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thận trọng. Sau khi xác định được mục tiêu và diện nhập cư phù hợp với nhu cầu, năng lực cá nhân, hãy dành ít nhất 1 năm để chuẩn bị về ngôn ngữ và kiến thức.
Người nhập cư Nhật Bản theo diện du học cần:
- Thi đỗ hoặc xét tuyển thành công vào trường tiếng Nhật hoặc các trường trung cấp, đại học của Nhật Bản.
- Chứng minh tài chính: đủ khả năng chi trả học phí và chi phí sinh hoạt.
- Có chứng chỉ tiếng Nhật như JLPT N5 – N2 (tùy trường yêu cầu).
- Chuẩn bị tài chính: khoảng 120 – 150 triệu đồng học phí/năm và sinh hoạt phí từ 15 – 20 triệu đồng/tháng
- Chi phí làm hồ sơ, dịch thuật, xin visa
Người nhập cư Nhật Bản theo diện lao động cần:
- Hợp đồng lao động hợp pháp với công ty tại Nhật.
- Trình độ tiếng Nhật: thường yêu cầu JLPT N4 trở lên hoặc đạt các kỳ thi kỹ năng.
- Kỹ năng nghề nghiệp: chứng chỉ nghề hoặc kinh nghiệm làm việc thực tế.
- Chi phí làm hồ sơ, dịch thuật, xin visa.
- Chi phí xuất khẩu lao động (nếu qua công ty môi giới) theo quy định của pháp luật
Để tìm hiểu các Quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động qua công ty môi giới, hãy đọc bài viết: Những điều cần biết trước khi đi lao động xuất khẩu.
Kinh nghiệm học và thi tiếng Nhật từ các “senpai” (tiền bối) của Vilaco được chia sẻ trong bài viết: Học & thi tiếng Nhật cho Lao động xuất khẩu: Mọi điều bạn cần biết
Sau khi chuẩn bị hồ sơ (giấy tờ cá nhân, học vấn, chứng chỉ nghề nghiệp, chứng minh tài chính), quá trình xin visa bắt đầu bằng việc nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận tư cách lưu trú (COE) tại Cục Xuất Nhập Cảnh Nhật Bản. Sau khi nhận COE, bạn nộp đơn xin visa tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Thời gian xét duyệt ít nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản nhận hồ sơ.
Lưu ý: từ ngày 1/9/2025, Nhật Bản sẽ tiến hành sàng lọc bệnh Lao đối với hành khách nhập cảnh từ các nước: Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nepal, Myanmar, Trung Quốc. Vì vậy, công dân từ các quốc gia này khi xin visa Nhật Bản cần làm xét nghiệm và nộp giấy chứng nhận không mắc Lao phổi do các cơ sở y tế được chỉ định xác nhận.
Trong quá trình xin visa nhập cư Nhật Bản, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công ty phái cử, công ty tư vấn du học, công ty môi giới xuất khẩu lao động là hoàn toàn chính đáng. Với gần 20 năm hỗ trợ, đồng hành với hơn 10.000 bạn trẻ Việt Nam trong hành trình học tập và lao động nước ngoài, Vilaco có thể giải đáp mọi băn khoăn của bạn về nhập cư Nhật Bản. Các chuyên gia của Vilaco luôn sẵn sàng lắng nghe bạn qua hotline 0328565656.