TTS Vilaco có mặt ở sân bay để lên đường đi xuất cảnh (Ảnh: Vilaco)
TTS Vilaco có mặt ở sân bay để lên đường đi xuất cảnh (Ảnh: Vilaco)

Khó khăn từ cung đến cầu

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 chưa đạt kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 chỉ đạt trên 78.000 người. Cụ thể, số lao động đi năm 2020 là 78.641 người, trong đó có 28.786 lao động nữ, đạt 60,5% kế hoạch Chính phủ giao năm 2020 và bằng 51,55% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 152.530 lao động, trong đó có 54.700 lao động nữ).

Mục tiêu trong năm 2021, ngành sẽ đưa được 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với trạng thái bình thường mới trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất về dịch bệnh covid-19, hoạt động xuất khẩu được cho là còn nhiều “chông gai”.

Thực tế cho thấy, các chính sách phòng chống dịch cấp thiết của các tỉnh, thành phố đã hạn chế việc di chuyển của người lao động đến tập trung học tập, tham gia phỏng vấn ở các công ty phái cử vốn chủ yếu đặt trụ sở ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, với các chính sách hạn chế tụ tập đông người, các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm của các tỉnh, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đã không thể diễn ra. Từ đó, khiến cho việc tiếp cận thông tin chương trình và các đơn hàng tuyển dụng từ phía các đối tác nước ngoài bị hạn chế đáng kể.

Bên cạnh đó, những khó khăn đến từ các đối tác. Đơn cử như: để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đã ban hành các quy định cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài. Cộng thêm việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động đã khiến cho số lao động đã trúng tuyển và làm hồ sơ không thể xuất cảnh được, bị mắc kẹt tại các công ty phái cử trong tâm trạng chờ đợi, lo lắng. Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng các công ty phái cử vẫn có đơn hàng tuyển dụng tốt từ các đối tác nước ngoài, nhưng lại không thể triển khai việc cung ứng nguồn lao động.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện này, dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh tế – xã hội ở các quốc gia tiếp nhận bị xáo trộn và điều này cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam. Ví dụ, Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành các công trình phục vụ cho Olympic 2020, vì thế nhu cầu sử dụng lao động cho các ngành nghề liên quan đến công tác chuẩn bị đã tạm thời ngừng lại. Đồng thời, do hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, đơn đặt hàng các đối tác suy giảm nên một số ngành nghề liên quan đến công nghệ ôtô, lắp ráp điện tử ở Nhật Bản cũng đã giảm nhu cầu tuyển dụng lao động từ các nước, đặc biệt là từ Việt Nam. Một bộ phận lớn người lao động Việt Nam vẫn còn đang kẹt lại ở các quốc gia tiếp nhận.

Hi vọng dịch bệnh sớm ổn định để TTS có thể quay trở lại học ở trường (Ảnh: lớp học Vilaco)
Hi vọng dịch bệnh sớm ổn định để TTS có thể quay trở lại học ở trường (Ảnh: lớp học Vilaco)

Theo số liệu thống kê, hiện có hơn 26.000 lao động hết hạn hợp đồng chưa thể về nước. Để giải quyết vấn đề này, các nước tiếp nhận đã ban hành các chính sách tạm thời về việc tái sử dụng số lao động hết hạn hợp đồng lao động (gia hạn hợp đồng, chuyển đổi tư cách lao động). Do đó, các công ty tiếp nhận sẽ không có nhu cầu tuyển mới. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm nhu cầu tiếp nhận lao động mới.

Tờ Nippon đưa tin, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp Nhật Bản khi được khảo sát trả lời rằng có dự định tuyển thêm lao động trong năm 2021 do lo ngại những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài. Trong số 494 công ty được khảo sát vào tháng 12/2020, chỉ có khoảng 35,4% doanh nghiệp có kế hoạch sẽ tuyển dụng lao động nước ngoài vào năm 2021. Trong khi con số đó là 50,6% vào năm 2019.

Sẵn sàng khi Covid-19 được đẩy lùi

Với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, theo nhiều chuyên gia trong trong lĩnh vực xuất khẩu, tình hình nguồn cung khó khăn sẽ vẫn tiếp diễn kéo dài trong năm 2021. Dự kiến sang năm 2022, khi việc tiêm vắc – xin Covid-19 của các nước, bao gồm cả Việt Nam, được tiến hành đại trà, thì số lượng người lao động đăng ký đi làm việc nước ngoài mới có hy vọng hồi phục.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ tốt cho người lao động, cần tiếp tục phát huy các chính sách phòng chống dịch bệnh hiệu quả hiện nay. Với việc Việt Nam được đánh giá xếp hạng an toàn cao, người lao động sẽ nằm trong nhóm được ưu tiên nhập cảnh vào các quốc gia tiếp nhận.

Về phía các doanh nghiệp phái cử, bên cạnh việc sàng lọc các đối tác chất lượng, cần nghiên cứu triển khai các biện pháp đào tạo, phỏng vấn mới để đáp ứng nhu cầu cho phía doanh nghiệp tiếp nhận. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể hoàn thiện quy trình 3-ON: khai hồ sơ online, phỏng vấn online, đào tạo online để tạm thời triển khai các đơn hàng tuyển dụng trong thời kỳ mới.

Học bằng hình thức online để đảm bảo tiến độ (Ảnh: Vilaco)
Học bằng hình thức online để đảm bảo tiến độ (Ảnh: Vilaco)

Về phía các địa phương cung ứng nguồn lao động, cần tăng cường tổ chức tư vấn, hội thảo, phiên giao dịch việc làm theo hình thức mới trong tình hình mới./.